Chính phủ cần tích cực hơn trong quản lý và tái cơ cấu nợ công

Nhìn nhận về con số dư nợ công sát ngưỡng 65% GDP, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần tích cực hơn trong tái cơ cấu ngân sách.
Chính phủ cần tích cực hơn trong quản lý và tái cơ cấu nợ công ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cần tính trước những tác động không thuận đến thu chi ngân sách, Chính phủ cần tích cực hơn nữa trong tái cơ cấu ngân sách giai đoạn tới - đây là đề nghị của các đại biểu khi thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015).

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính công

Nhìn nhận về con số ước bội chi ngân sách năm 2016, dư nợ công sát ngưỡng 65% GDP, nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng cho phép, các đại biểu cho rằng nếu tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này còn cao hơn. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm 2016, 2017, 2018. Đến thời điểm này, tăng trưởng GDP khó đạt mục tiêu đề ra.

Việc không đạt chỉ tiêu tăng tưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống còn 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỷ đồng nếu tăng trưởng ở mức 6,3%.

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính công đang thực sự xảy ra, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phân tích: nợ công có khả năng tăng lên 65% GDP trong năm nay, giới hạn ngưỡng nợ công đang ngày càng đẩy lên cao từ 47% là ngưỡng an toàn, lên 65% hiện nay.

Giới hạn an toàn nợ công, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách có xu hướng tăng nhanh, trong khi chặng đường trước mắt, Việt Nam vẫn tiếp tục phải vay nợ để đầu tư phát triển. Khi tốc độ tăng nợ công tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước, trong khi tốc độ tăng GDP thấp, nghĩa vụ trả nợ và các khoản chi hàng năm tăng nhanh, khả năng cân đối nguồn để trả nợ còn nhiều khó khăn, bố trí chi trả nợ hàng năm chưa tương xứng nghĩa vụ trả nợ đến hạn dẫn đến việc vay đảo nợ với khối lượng lớn, năm sau cao hơn năm trước.

Theo đại biểu, việc quản lý, sử dụng vốn vay cũng chưa đạt hiệu quả cao, kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ, trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn vay còn rất lớn, song nếu tiếp tục đầu tư dàn trải, lãng phí như thời gian qua, hậu quả không chỉ dừng lại ở tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công mà góp phần gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hàng năm

Chính phủ có chiến lược nợ rõ ràng, có điều kiện cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hàng năm, chi tiêu triệt để tiết kiệm, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiết kiệm chi thường xuyên - đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị.

Theo đại biểu, cơ chế phân bổ vốn phải thực sự minh bạch, cơ chế giám sát đồng vốn đầu tư chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020. Chính phủ phải thu hẹp khoảng cách giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, không để khoảng cách này ngày càng nới rộng.

Băn khoăn về việc GDP phụ thuộc lớn vào giá trị nông sản bị ảnh hưởng bởi thiên tai ngập mặn, tác động xấu của biến đổi khí hậu, nguồn thu từ dầu thô đang bị cạnh tranh về giá, đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng phải tính toán phương án để đáp ứng chỉ tiêu về nợ công, bội chi và GPD phù hợp với mục tiêu đặt ra. Để giảm nợ công cần phải nuôi dưỡng và tăng thu, đồng thời giảm chi.

Theo đại biểu, việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài nguyên trong nước, giá dầu thô sẽ dẫn đến khó có sự đột biến trong nuôi dưỡng và cải thiện các nguồn thu trong 5 năm tới, đè trách nhiệm nặng nề lên ngành sản xuất và dịch vụ trong nước.

Trong khi đó, Chính phủ đặt ra các chương trình khởi nghiệp, hình thành 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm. Các chương trình khởi nghiệp đòi hỏi phải nới lỏng tiền tệ, nên tăng thu cho ngân sách là khó, chỉ còn con đường giảm chi.

Nhận định về các nguồn thu để bổ sung cho đầu tư phát triển và đầu tư công, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng có các nguồn từ ngân sách nhà nước, từ vốn hóa tài nguyên và tài sản công của nhà nước, thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vay trong và ngoài nước và các nguồn lực trong xã hội.

Nguồn lực lớn nhất mà thời gian qua chúng ta chưa khai thác hết, đó là nguồn lực trong xã hội, điều đó đặt ra cho Chính phủ phải tạo hàng lang thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế phát triển, để người dân mạnh dạn bỏ vốn, tham gia đầu tư cho phát triển kinh tế thay vì gửi tiết kiệm hoặc để ở nhà.

Đối với nguồn vốn ODA, cần tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy nợ nần. Đối với nguồn vốn FDI, khi tiếp nhận FDI, phải theo định hướng sạch chứ không phải nguồn vốn FDI vào để phải trả giá đối với môi trường sau này.

Đại biểu cũng kiến nghị các giải pháp quản lý hiệu quả tài chính ngân sách theo hướng chính quyền các cấp cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách, tài khóa, xóa cơ chế “xin-cho”, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình độc lập, kiên định mục tiêu giảm bội chi.

Nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động. Khuyến khích thành lập các tập đoàn mang thương hiệu quốc gia, có thị phần, quy mô lớn, bởi, khi cộng đồng doanh nghiệp phát triển, nguồn thu ngân sách sẽ tốt.

Để nuôi dưỡng nguồn thu, đại biểu khẳng định phải tính đến việc không tận thu, tiết kiệm ngân sách và chống gian lận thương mại. Nguồn thu nội địa là nguồn thu du lịch, giảm phụ thuộc vào nguồn thu thương mại và cải thiện các nguồn thu. Cần phát huy nguồn ngân sách là nguồn đối ứng tiên phong, là vốn mồi để huy động được các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia.

Ngân sách phải tạo động lực, là đòn bẩy để kinh tế phát triển. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, cần lập danh mục thứ tự ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo ngành, lĩnh vực, khu vực. Quốc gia nên có từ 1-2 trung tâm tài chính có quy mô đô thị ngang tầm khu vực đúng nghĩa, có như vậy mới kêu gọi được các nhà đầu tư đến cùng sống, làm việc với người dân Việt Nam và cùng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nộp ngân sách cho đất nước ta.

Đại biểu đề nghị phân công, phân cấp hợp lý tạo tính chủ động và tự chịu trách nhiệm cho ngân sách địa phương để các địa phương không ỷ lại ngân sách trung ương. Tùy khả năng thực tế trả nợ của địa phương, địa phương có thể tính khả năng huy động phù hợp.

Trên cơ sở phân tích việc sử dụng quỹ tích lũy trả nợ của Chính phủ đối với nợ công, không đồng tình với cách làm hiện nay, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về việc quản lý, sử dụng quỹ này.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tránh ban hành các chính sách làm giảm thu, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, trong đó sớm sửa đổi một số luật thuế, đáp ứng yêu cầu kế hoạch tài chính 5 năm, chú trọng một số nguồn thu như thu từ tài sản, lợi tức, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, rà soát lại chính sách chi, giảm bội chi, phù hợp với việc tăng thu, sửa đổi chính sách lạc hậu, bất hợp lý, chú trọng chi cho xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 53%, đề nghị cần tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, tái cơ cấu nợ, có biện pháp quyết liệt cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng thu, giảm chi, giảm dần nợ công và bội chi, rà soát lại điều tiết giữa ngân sách trung ương và địa phương.

Từng bước tái cơ cấu lại nợ công

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, triển khai Luật ngân sách nhà nước năm 2015, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 2016-2020, mục tiêu định hướng, sử dụng vốn vay giai đoạn 2016-2020.

Đây là vấn đề khó, làm lần đầu trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, kinh tế thế giới giảm sâu, kinh tế trong nước đang tái cơ cấu. Do đó, tình hình tài chính ngân sách cũng phản ánh thực trạng "sức khoẻ" của nền kinh tế. Chính sách tài chính góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng xã hội.

Báo cáo một nội dung quan trọng, cần có sự đồng thuận nhận thức trong xã hội, trong Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là đúng. Nhìn lại giai đoạn 2001 là 36,5%, 2005 là 40,8%, 2010 là 50%, 2015 là 62,2% GDP.

Về quy mô, năm 2015, nợ công là 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005, gấp 14,8 lần năm 2001. Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 bằng 18,4%, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế (5,91%). Trong điều hành, thực hiện hàng năm, phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng năm 2013, năm 2014 là 106.000 tỷ đồng, 2015 là 125.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng thông tin về một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, ngân sách, từng bước tiến hành tái cơ cấu lại nợ công. Thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật quản lý nợ công; rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế, theo đề án tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công.

Đồng thời, từng bước tiến hành tái cơ cấu lại nợ công, đầu tiên là đẩy mạnh nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài (thời điểm này, nợ trong nước đã lên hơn 50% và nợ nước ngoài 43%); tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất của nợ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục