Chính phủ chỉ đạo xử lý hậu quả lũ ở Bình Định

Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Định cần xem xét lại công tác quản lý và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân vùng lũ.
Ngày 20/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã về chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại tỉnh Bình Định.

Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra tình hình lũ lụt, thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình bị lũ làm sập nhà cửa hoàn toàn tại thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát; thăm gia đình nạn nhân Dương thị Diễm, 19 tuổi bị lũ cuốn trôi tại thôn Thạnh Danh, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành địa phương tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Định cần lưu ý xem xét lại công tác quản lý và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến mọi người dân vùng lũ bằng các hình thức khác nhau; tổ chức và phân công lực lượng canh phòng nghiêm ngặt những nơi nguy hiểm thường xẩy ra trước khi mưa lũ; không được chủ quan với hiểm họa thiên tai.

Tỉnh cần từng bước, xây dựng ý thức và thói quen hỗ trợ nhau trong điều kiện sống chung với lũ ở từng thôn, xóm và khu vực dân cư. Các cấp chính quyền cần tổ chức theo dõi diễn biến về thời tiết, biến đổi khí hậu để có biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, trước mắt, địa phương tập trung giải quyết đời sống dân sinh, môi trường và phòng bệnh; không để một người dân nào bị đói, rét và đề phòng bệnh tật xảy ra. Đồng thời, tổ chức vệ sinh đồng ruộng sau lũ, cung ứng đủ giống cây các loại; sửa chữa các hệ thống đê điều kênh mương, thủy lợi, hồ chứa nước... để phục vụ kịp thời vụ sản xuất đông xuân

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng thống nhất với các kiến nghị của tỉnh, giao các bộ, ngành chức năng giải quyết tạm ứng kinh phí mua 1.000 tấn gạo cứu đói; hỗ trợ kinh phí mua giống lúa và rau màu sản xuất, 100 cơ số thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hàng năm ghi kế hoạch ưu tiên kinh phí cho tỉnh Bình Định sữa chữa các hồ chứa nước lớn bị xuống cấp; thực hiện các dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão tại cửa biển ĐêGi, xây dựng hồ chứa nước mới Đá Mài và giải quyết vốn kịp thời xây dựng hoàn thành hệ thống kênh tưới Văn Phong vào năm 2012.

Theo số liệu chưa đầy đủ, đến ngày 20/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định, mưa lũ đã làm 10 người chết, 1 người mất tích, 6 người bị thương; 151 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 281 nhà bị hư hỏng và 18.213 ngôi nhà khác bị ngập nước, trên 4.000ha lúa bị ngã đổ, trên 3.410ha hoa màu bị hư hỏng...

Mưa lũ cũng đã làm hỏng 80m đê kè bị vỡ, 53.568m đê kè bị sạt lở với tổng khối lượng trên 71.000m3; 192 đập dâng và đập tạm bị cuốn trôi; 135.500m đường giao thông và 63 cầu, cống bị hư hỏng; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hỏng là trên 1.115ha. Tổng thiệt hại ước tính 691 tỷ đồng./.

Viết Ý (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục