Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, với các giải pháp quyết liệt để ổn định sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế.

Mặc dù một số chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 có thể bị sụt giảm do tình hình căng thẳng ở Biển Đông, tuy nhiên, tại buổi họp báo Chính Phủ chiều 29/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, với các giải pháp quyết liệt để ổn định sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài, từ nay đến cuối năm Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh tế.

Giải thích rõ hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, từ trước đến giờ, khi kêu gọi đầu tư, Chính phủ Việt Nam đều có chính sách chung với các nước. Đối với Trung Quốc, hiện kinh tế thương mại giữa hai nước vẫn phát triển bình thường, nhân dân hai nước mong muốn việc giao lưu buôn bán và ổn định để cùng phát triển.

"Không có quan điểm và chủ trương nào thay đổi chính sách với Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có chính sách mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và không có ý định bỏ quan hệ thương mại với Trung Quốc," Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Số liệu đưa ra tại buổi họp báo cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 56,86 tỷ USD. Xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD, bằng 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhận định bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải, rất mừng là những con số xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt làm nhóm hàng nông nghiệp và chế biến đều tăng trưởng ở mức khá.

Riêng về vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, không phải từ khi có "chuyện" với Trung Quốc mới tính đến việc giải quyết bài toán phụ thuộc quá vào một thị trường.

Bài toán mà Việt Nam đang giải quyết đó là tăng mạnh xuất khẩu, giảm nhập khẩu (trong đó việc nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhưng bù lại để xuất hàng đi các nước khác như EU và Mỹ) đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ ở ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ mà còn nhắm đến các thị trường khác như: Trung Đông, Nga...

Bên cạnh đó, nhà nước còn khuyến khích các doanh nghiệp tăng sản xuất trong nước như nguyên phụ liệu dệt may và bằng nhiều chính sách nhà nước sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tự sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước.

"Cần đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được," thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến những căng thẳng trên Biển Đông hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý để khởi kiện việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nhưng sẽ cân nhắc kỹ thời điểm thực hiện.

Người phát ngôn của Chính phủ cho rằng, việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý đã được Việt Nam chuẩn bị, nhưng nếu Trung Quốc ngồi lại đàm phán và thực hiện các yêu cầu của Việt Nam một cách chân thành thì tình hình có thể khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục