Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các mục tiêu ​đã đề ra

Nhiều yếu tố như giá dầu sụt giảm, thậm chí là việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã tác động đến nền kinh tế của Việt Nam nhưng Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các mục tiêu ​đã đề ra.
Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các mục tiêu ​đã đề ra ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

"Những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, đặc biệt những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ đã tác động đến nền kinh tế của Việt Nam nhưng Chính phủ sẽ kiên định các mục tiêu ​đã đề ra từ đầu năm."

Thông tin thêm tại buổi họp giao ban do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 1/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành ​tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới và khu vực ​nhằm đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế...

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành ​bám sát chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ​cũng như có đối sách phù hợp ​nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

"Với những chính sách đang thực hiện thì đến cuối năm có thể 13/14 chỉ tiêu sẽ hoàn thành và GDP sẽ tăng trên 6%," Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Có thể thấy, tín hiệu tích cực của nền kinh tế cũng đã thể hiện rõ nét trong 8 tháng đầu năm.

Theo báo cáo của ​Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện sản xuất công nghiệp đã phục hồi tích cực và sau 8 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,1% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều so của cùng kỳ năm 2014 (5,8%).

Bên cạnh đó, tổng cầu cũng đã hồi phục mạnh, cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước tính đạt 271,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.116,7 nghìn tỷ đồng; tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm 2014).

Một dấu hiệu tích cực là đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến cuối tháng ​Tám này thu hút 1.219 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7.878,9 triệu USD, tăng 22,9% về số dự án và tăng 8,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời có 389 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 5.459,7 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm nay ước tính đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014.

"Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất," Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục