Đẩy nhanh xóa mù chữ

Chính phủ đặt mục tiêu xóa mù chữ 1,2 triệu người

Thủ tướng vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” với mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” với mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người có độ tuổi từ 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98%.

Theo Quyết định, mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2015 xóa mù chữ cho 800.000 người có độ tuổi từ 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 96%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn đạt 90%; xóa mù chữ cho 250.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 86%.

Đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn đạt 94%; xóa mù chữ cho 300.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 90%. Có 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2020.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra các giải pháp như tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học.

Cùng với đó, đề án đặt mục tiêu bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số. Xây dựng chính sách hỗ trợ đối với những người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đối với những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia dạy xóa mù chữ.

Bên cạnh đó, đổi mới Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ phù hợp với chương trình phổ thông sau năm 2015. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn dạy và học xóa mù chữ phù hợp với nhóm đối tượng người học: Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư vùng sông nước. Tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt,... tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm củng cố kết quả biết chữ, hạn chế mù chữ trở lại.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ cũng là một trong những giải pháp được Đề án đưa ra. Trong đó, cần tăng cường huy động giáo viên các trường tiểu học, cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tham gia dạy xóa mù chữ. Đẩy mạnh hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Huy động cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng tham gia dạy các lớp xóa mù chữ ở khu vực biên giới, hải đảo.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục