Chính phủ đầu tư 90.000 tỷ đồng mỗi năm cho giảm nghèo

Theo đại diện Bộ Tài Chính, giai đoạn 2005-2012, Chính phủ bố trí cho chính sách giảm nghèo trên 700.000 tỷ đồng, trung bình 90.000 tỷ đồng/năm.
Chính phủ đầu tư 90.000 tỷ đồng mỗi năm cho giảm nghèo ảnh 1Cấp bò giống cho nông dân. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Ngày 23/11, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với đại diện Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo; tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn nghèo; ban hành một số chính sách trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã nghiêm túc tổ chức triển khai, nghiên cứu rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo; xây dựng các giải pháp cụ thể, bố trí, huy động đa dạng hóa nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn nghèo, dân tộc thiểu số.

Công tác giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện hiệu quả chương trình, chính sách giảm nghèo. Nhiều địa phương đã có những cách làm tốt, có mô hình giảm nghèo hiệu quả. Tỷ lệ nghèo giảm bình quân 2%/năm, các huyện nghèo giảm trên 4%/năm, đời sống của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi được tăng cường; an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ở nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60-70%. Việc bố trí và cấp phát vốn ngân sách cho Chương trình hàng năm thường chậm gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện của các địa phương.

Hiện còn quá nhiều chính sách (khoảng trên 70 văn bản chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số) dẫn đến sự chồng chéo, chia cắt, manh mún, hạn chế đến khả năng tác động, làm chuyển biến rõ nét về đời sống của người nghèo...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: trong tất cả cơ chế, chính sách cho người nghèo, nhà ở là cấu phần rất quan trọng. Trước 2009, Chính phủ chỉ đạo chủ yếu hỗ trợ nhà ở cho vùng sâu, vùng xa nhưng từ năm 2009 đến nay, Chính phủ quan tâm đến nhà ở cho người nghèo trong cả nước, tập trung hỗ trợ nhà ở cho vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long và vùng lũ miền Trung.

Trong 4 năm đã có 500 ngôi nhà cho người nghèo từ sự hỗ trợ của cộng đồng được xây dựng chủ yếu cho các huyện nghèo theo Quyết định 30a. Đại diện Bộ Tài Chính cũng cho biết giai đoạn 2005-2012, ngân sách khó khăn nhưng Chính phủ đã bố trí cho chính sách giảm nghèo là khá lớn (trên 700.000 tỷ đồng), trung bình mỗi năm là 90.000 tỷ đồng.

Đánh giá cao Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo thời gian qua, tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ về các giải pháp giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu, nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, tránh chồng chéo, trùng lắp về nội dung hoạt động giữa các chương trình; đồng thời có cơ chế hướng dẫn các địa phương trong lồng ghép thực hiện các chính sách; quản lý giám sát thực hiện mục tiêu, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện ở các địa phương...

Cũng trong buổi làm việc, đại diện Chính phủ và các bộ, ngành đã giải đáp những nội dung được nhiều thành viên đoàn giám sát quan tâm về công tác giảm nghèo.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục