Chính phủ Đức vẫn bất đồng về Kế hoạch hành động giảm khí thải

Văn kiện do Bộ trưởng Môi trường Đức soạn thảo vấp phải sự phản đối từ một số bộ do các thành viên thuộc đảng bảo thủ của bà Merkel đứng đầu, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp.
Chính phủ Đức vẫn bất đồng về Kế hoạch hành động giảm khí thải ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Earth Times)

Ngày 2/11, Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks đã thúc giục Thủ tướng Angela Merkel can thiệp giải quyết những tranh cãi liên quan đến Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu của Đức cho đến năm 2050. Động thái diễn ra trong bối cảnh những bất đồng liên quan đang khiến Chính phủ Đức trì hoãn việc thông qua văn kiện trên.

Trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Funke Media Group, Bộ trưởng Môi trường Hendricks cho biết bà đã thảo luận về ​Kế hoạch chống biến đổi khí hậu với văn phòng thủ tướng.

Theo đó, văn kiện nói trên, do bà Barbara Hendricks soạn thảo, phải được Nội các Đức thông qua trong ngày 2/11 để chuẩn bị cho vòng thương lượng tiếp theo về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 11 tới ở Maroc.

Tuy nhiên, văn kiện này đã vấp phải sự phản đối từ một số bộ các do các thành viên thuộc đảng bảo thủ của bà Merkel đứng đầu, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp Đức, do đó việc thông qua bản kế hoạch bị trì hoãn.

Bà Hendricks thúc giục các cơ quan bộ ngành của Đức thực hiện nghiêm túc những cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Nội dung bản kế hoạch bao gồm các biện pháp để Đức từ bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời hoàn thành mục tiêu giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2050.

Mục tiêu cụ thể này căn cứ trên những cam kết của Đức trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được các nước thông qua từ năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 4/11 tới.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng tranh cãi, Bộ Môi trường Đức đã hạ thấp các yêu cầu, như hủy bỏ thời gian biểu để nước này ngừng sản xuất điện nhiệt cũng như bỏ mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2 đối với khu vực tư nhân.

Thay vào đó, bản kế hoạch này đề xuất những biện pháp để đảm bảo Đức sẽ trở thành quốc gia không có khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên quy mô lớn vào giữa thế kỷ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục