Chính phủ Hàn Quốc xóa bỏ chế độ thiết quân luật gây tranh cãi

Lệnh thiết quân luật được quân đội lập ra năm 1950 cho phép lực lượng Lục quân được đóng quân và lưu lại tại một khu vực nhất định để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ khu vực đó khi khẩn cấp.
Chính phủ Hàn Quốc xóa bỏ chế độ thiết quân luật gây tranh cãi ảnh 1Hàn Quốc xóa bỏ chế độ thiết quân luật. (Nguồn: Deccan Chronicle)

Ngày 12/9, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng thống Moon Jae-in và quyết định xóa bỏ chế độ thiết quân luật. Như vậy là chế độ này ngay lập tức bị xóa bỏ mà không cần Quốc hội thông qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, "thiết quân luật” tại Hàn Quốc là một sắc lệnh của Tổng thống được đưa ra, cho phép lực lượng Lục quân được đóng quân và lưu lại tại một khu vực nhất định để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ khu vực đó trong các trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc thiên tai.

Lệnh thiết quân luật được quân đội lập ra lần đầu vào năm 1950 nhằm bảo vệ chính các đơn vị quân đội, ngăn chặn sự xâm nhập của thế lực bên ngoài. Tuy nhiên, chế độ này lại bao gồm quy định cho phép các đơn vị quân đội có thể di chuyển ra ngoài khu vực đóng quân mà không cần sự đồng ý của Quốc hội.

[Hàn Quốc thành lập bộ tư lệnh an ninh mới gồm 2.900 nhân viên]

Đặc biệt, dư luận Hàn Quốc gần đây dấy lên tranh cãi sau vụ bê bối Bộ Tư lệnh quốc phòng và an ninh từng soạn thảo văn bản có nội dung xem xét ban hành lệnh giới nghiêm và thiết quân luật nhằm trấn áp các cuộc biểu tình thắp nến trước thềm phiên luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye vào tháng 3/2017.

Giải thích về quyết định xóa bỏ lệnh thiết quân luật, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chế độ này có tính hiệu quả thấp do Hàn Quốc chưa từng thực thi lệnh này suốt 30 năm trở lại đây, đồng thời chế độ này có nhiều yếu tố vi hiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục