Chính phủ Iceland vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm

Quốc hội Iceland bác bỏ một kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Johanna Sigurdardottir do đảng Độc lập đưa ra.
Quốc hội Iceland tối 13/4 đã bác bỏ một kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Johanna Sigurdardottir do đảng Độc lập theo đường lối trung hữu - đảng đối lập lớn nhất ở Iceland, đưa ra.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành bốn ngày sau khi kế hoạch được chính phủ và quốc hội hậu thuẫn, về bồi hoàn cho các chủ nợ nước ngoài của ngân hàng làm ăn thua lỗ Icesave, bị cử tri nước này phản đối trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Cũng trong tối 13/4, Quốc hội Iceland còn bác bỏ một kiến nghị khác kêu gọi giải tán chính phủ và tiến hành cuộc bầu cử mới.

Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 9/4, gần 60% số cử tri Iceland đã bác bỏ một kế hoạch được chính phủ và quốc hội hậu thuẫn nhằm hoàn trả cho Chính phủ Anh và Hà Lan số tiền 3,9 tỷ euro (5,6 tỷ USD) mà hai nước này đã chi để bồi thường cho 340.000 công dân của họ bị mất tiền ở ngân hàng Icesave của Iceland, khi ngân hàng này phá sản năm 2008.

Đây là cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về vấn đề bồi thường này.

Trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 3/2010, khoảng 93% số cử tri Iceland đã nói "không" với kế hoạch bồi thường trên.

Phát biểu sau khi kết quả cuộc trưng cầu ngày 9/4 được công bố, Thủ tướng Sigurdardottir cho rằng cử tri Iceland đã lựa chọn một quyết định tồi tệ nhất, gây chia rẽ đất nước trong vấn đề bồi thường cho Anh và Hà Lan.

Bà cam kết chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để tránh xảy ra tình trạng hỗn loạn về chính trị và kinh tế trong nước phát sinh do kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này.

Anh và Hà Lan đã bỏ ra tổng cộng 3,9 tỷ euro để thanh toán cho các công dân nước họ bị thiệt hại vì gửi tiền tại Icesave, đồng thời yêu cầu chính quyền Iceland bồi hoàn số tiền này.

Mặc dù Quốc hội Iceland đã phê chuẩn thỏa thuận bồi thường cho Anh và Hà Lan, song Tổng thống nước này vẫn từ chối ký ban hành văn bản này thành luật, dẫn đến phải tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân.

Với kết quả này, Iceland sẽ đối mặt với quá trình tranh tụng kéo dài từ một đến hai năm tại tại Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), tổ chức thay Tòa án Pháp lý châu Âu giải quyết những tranh cãi liên quan các nước thành viên Khu vực Kinh tế châu Âu, gồm Iceland, Liechtenstein và Na Uy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục