Chính phủ Malaysia tiếp tục tăng thuế thuốc lá cao hơn nữa

Nhà kinh tế học Muhammed Abdul Khalid thuộc Trung tâm phân tích DM của Malaysia vừa lên tiếng chính phủ cần tiếp tục tăng thuế thuốc lá cao hơn nữa để góp phần giảm số người hút thuốc.
Chính phủ Malaysia tiếp tục tăng thuế thuốc lá cao hơn nữa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Nhà kinh tế học Muhammed Abdul Khalid thuộc Trung tâm phân tích DM của Malaysia vừa lên tiếng cảnh báo rằng, Malaysia sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai xuất phát từ các vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân nước này.

Theo ông Muhammed Abdul, một trong những nguyên nhân chính tạo ra gánh nặng cho công tác chăm sóc y tế của Malaysia chính là việc có nhiều người dân nước này hút thuốc lá.

Không chỉ người hút thuốc lá trực tiếp mà thói quen hút thuốc trong nhà hay nơi công cộng còn ảnh hưởng lớn đến những người hút thuốc thụ động.

[Thuốc lá can thiệp vào tiến trình hoạch định chính sách quốc gia]

Một loạt những bệnh tật xuất phát từ hút thuốc lá như tim mạch, huyết áp, phổi… đang ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của không ít người dân Malaysia.

Tờ Freemalaysiatoday dẫn lời vị chuyên gia này cho hay, Chính phủ Malaysia cần nhanh chóng giải quyết vấn đề này thông qua việc đánh thuế.

Trên thực tế, thuế thuốc lá tại Malaysia khá cao khi một bao thuốc loại bình thường có giá cao gấp từ 4-5 lần một bao thuốc tương đương tại nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, ông Muhammed cho rằng so với một số nước phát triển, thuế thuốc lá của Malaysia vẫn thấp hơn.

Chính phủ cần tiếp tục tăng thuế cao hơn nữa để góp phần giảm số người hút thuốc.

Ngoài hút thuốc, tác giả công trình nghiên cứu “Bức tranh về Bất bình đẳng: Sắc tộc, Địa vị, Thu nhập và Thịnh vượng tại Malaysia” còn chỉ ra một số yếu tố khác là mầm mống cho cuộc khủng hoảng y tế tiềm tàng tại nước này.

Trong số đó có tình trạng béo phì khá phổ biến ở người lớn, kèm theo đó là các vấn đề về sức khỏe như cao huyết áp, tiểu đường….

Đối với trẻ em nước này, tình trạng béo phì tồn tại song song cùng suy dinh dưỡng (13% và 12%). Cứ 3 trẻ em, có một em bị thiếu máu.

Về vấn đề thức ăn, Malaysia có sẵn các loại thức ăn dinh dưỡng, song giá cả đắt hơn so với các nước khác, dẫn đến việc không phải ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng thường xuyên.

Chính phủ cần phải có một chính sách về an ninh lương thực nhằm giúp cho tất cả người dân đều có thể tiếp cận nguồn thực phẩm dinh dưỡng lành mạnh.

Hôm 8/8, ông Muhammed còn đưa ra dự báo rằng, đến năm 2050, sẽ có nhiều người Malaysia nghèo hơn, ốm yếu hơn, vô sinh và vô gia cư, phần lớn là do những nguyên nhân kể trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục