Chính phủ Mali vừa gia hạn tình trạng khẩn cấp

Theo nguồn tin từ phủ Tổng thống Mali, tình trạng khẩn cấp có thể duy trì tới cuối tháng 6 trước khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử.
Trong phiên họp ngày 11/4, Chính phủ Mali đã quyết định gia hạn thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp vốn được áp dụng từ ngày 12/1 vừa qua, song không rõ lần gia hạn thứ hai này sẽ được kéo dài trong bao lâu.

Tuy nhiên, một nguồn tin từ phủ Tổng thống Mali cho biết tình trạng khẩn cấp ở nước này có thể được duy trì tới cuối tháng Sáu, trước khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 7/7 tới.

Theo luật bầu cử ở Mali, các chiến dịch vận động tranh cử chỉ được bắt đầu ba tuần trước ngày bỏ phiếu.

Chính phủ Mali đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 10 ngày từ ngày 12/1 sau khi Pháp phát động chiến dịch can thiệp quân sự "Mèo hoang" nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng Hồi giáo vũ trang xuống miền Nam, sau đó đã gia hạn thêm ba tháng.

Cùng ngày, Thủ tướng Mali Diango Cissoko đã kêu gọi quân đội Pháp ở lại Mali để giúp chính quyền và quân đội nước này ổn định tình hình và bảo đảm an ninh. Ông Cissoko đưa ra lời kêu gọi này bốn ngày sau khi Pháp bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Tây Phi này.

Hiện còn gần 4.000 quân Pháp vẫn tiếp tục tiến hành chiến dịch tìm diệt các phần tử khủng bố tại miền Bắc Mali.

Theo kế hoạch, từ nay đến mùa Hè, số quân Pháp ở Mali sẽ rút xuống còn khoảng 2.000 người và đến cuối năm nay sẽ chỉ còn 1.000 người để hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

[Pháp đã bắt đầu rút nhóm binh sĩ đầu tiên khỏi Mali]


Cũng trong ngày 11/4, Thủ tướng Diango Cissoko đã cam kết tiến hành cuộc bầu cử trong tháng Bảy tới bất chấp những mối lo ngại về an ninh.

Các nhà phân tích cho rằng Mali có thể không kịp hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử và điều này sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng ở nước này leo thang.

Mali rơi vào bất ổn từ cuối tháng 3/2012 sau khi Đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure.

Cuộc binh biến đã mở đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và lực lượng người Touareq chiếm giữ các tỉnh miền Bắc.

Lo ngại xung đột tại Mali có thể châm ngòi cho làn sóng bạo loạn mới trong khu vực, Chính phủ Pháp đã cấp tốc điều động binh sĩ đến Mali giúp chặn đứng các làn sóng tấn công "Nam tiến" của quân nổi dậy.

Dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp, mặc dù các chiến dịch truy quét của binh sĩ Mali đã đạt được nhiều thành quả nhưng cho đến nay, giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở Đông Bắc Mali, gây trở ngại lớn cho kế hoạch tiến hành bầu cử vào tháng Bảy tới của Tổng thống lâm thời Dioncounda Traore./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục