Chính phủ Mỹ cận kề nguy cơ tạm ngừng hoạt động

Sát thời hạn ngày 9/4, Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa thu hẹp bất đồng để thông qua dự luật ngân sách nửa cuối tài khóa 2011.
Bất chấp thời hạn chót là 0 giờ ngày 9/4 (giờ Mỹ) để cứu vãn nguy cơ chính phủ liên bang Mỹ phải tạm ngừng hoạt động do hết ngân sách đang cận kề, đến chiều 8/4, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa thu hẹp được bất đồng để thông qua dự luật ngân sách cho sáu tháng còn lại của tài khóa 2011.

Nghị sĩ hai đảng tiếp tục đổ lỗi cho nhau về sự chậm trễ này. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Dân chủ Harry Reid nói rằng, nếu đảng Cộng hòa hiện đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện không nhất trí thỏa hiệp để dự thảo ngân sách được thông qua tại hai viện Quốc hội trước thời hạn chót, thì đảng này phải chịu trách nhiệm về việc chính phủ ngừng hoạt động vì hết kinh phí.

Về phía Nhà Trắng, theo nguồn tin báo chí Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã nói với Chủ tịch Hạ viện John Boehner rằng, ông sẽ không chấp nhận việc cắt ngân sách chi cho Chương trình Kế hoạch hóa gia đình và không thể có thêm nhượng bộ để tránh việc chính phủ bị đóng cửa mà không có sự thay đổi lập trường từ phía đảng Cộng hòa.

Tổng thống khẳng định chính quyền đã hết sức nhân nhượng và muốn Hạ nghị sĩ Boehner cùng các nghị sĩ Cộng hòa có thái độ hợp tác tương tự.

Sẽ có khoảng 800.000 công chức làm việc tại các cơ quan liên bang bị ảnh hưởng nếu Chính phủ liên bang Mỹ phải tạm thời đóng cửa. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa về lượng cắt giảm chi tiêu và đề mục cắt giảm chi tiêu trong dự thảo ngân sách cho nửa năm cuối tài khóa 2011.

Một nguồn tin của đảng Dân chủ cho biết, quy mô cuối cùng của khoản cắt giảm chi tiêu có thể sẽ gần với đề xuất 33 tỷ USD mà đảng Dân chủ đưa ra hơn là đề xuất cắt giảm 40 tỷ USD của đảng Cộng hòa. Các nghị sĩ đảng Dân chủ chỉ trích rằng, đề xuất cắt giảm của đảng Cộng hòa sẽ ảnh hưởng đến các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và các nỗ lực bảo vệ môi trường.

Văn phòng Quản lý và ngân sách hiện vẫn chưa công bố các bộ phận nào của chính phủ sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, theo báo chí Mỹ, các công viên quốc gia và văn phòng cấp hộ chiếu sẽ bị đóng. Nhân viên các dịch vụ khẩn cấp như quân sự, quản lý biên giới, bác sỹ và y tá trong các bệnh viện liên bang, nhân viên điều hành không lưu sẽ vẫn tiếp tục làm việc. Các thành viên của Quốc hội vẫn tiếp tục được trả lương.

Đây sẽ là đợt ngừng hoạt động lần thứ 16 của Chính phủ Mỹ kể từ thời cựu Tổng thống Jimmy Carter.

Từ tài khóa 1977 đến 1980, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa 6 lần, mỗi lần kéo dài từ 8 đến 17 ngày. Từ tài khóa 1981 đến 1995, Mỹ đã 9 lần đóng cửa chính phủ, mỗi lần kéo dài không quá 3 ngày.

Lần chính phủ tạm ngừng hoạt động dài nhất là dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton với 21 ngày.

Hệ lụy của sự kiện này là khoảng 800.000 viên chức của các cơ quan liên bang phải nghỉ việc; việc xử lý thị thực, hộ chiếu và đơn gửi lên các cơ quan chính phủ bị chậm lại; hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động; tất cả các viện bảo tàng quốc gia và 368 công viên quốc gia bị đóng cửa khiến ngành du lịch và ngành hàng không mất khoảng 9 triệu khách du lịch.

Thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy tổng thiệt hại của lần đóng cửa năm 1995-1996 này lên tới 1,4 tỷ USD.

Một số nhà phân tích tài chính cho rằng, mặc dù đang trên đà cải thiện, song nền kinh tế Mỹ hiện nay sẽ bị tác động nếu chính phủ phải tạm thời đóng cửa. Chuyên gia kinh tế Gus Faucher, Giám đốc về kinh tế vĩ mô tại công ty Moody cho biết, tác hại đối với nền kinh tế sẽ là nhỏ nếu chính phủ chỉ ngừng hoạt động trong ngắn hạn.

Nếu tình trạng này kéo dài quá hai tuần, các công chức chính phủ liên bang sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu và những người làm việc theo hợp đồng với chính phủ đối diện với nguy cơ bị sa thải trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn đứng ở mức cao (khoảng 9%). Lòng tin của người tiêu dùng có thể sẽ xuống thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục