Chính phủ Mỹ cho một số ngân hàng hoàn vốn

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 1/6 đã cho phép một số ngân hàng lớn của Mỹ có tình trạng tài chính tốt bắt đầu từ tuần tới có thể trả nợ cho chính phủ dưới dạng mua lại các cổ phần của mình mà hiện do chính phủ nắm giữ.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 1/6 đã cho phép một số ngân hàng lớn của Mỹ có tình trạng tài chính tốt bắt đầu từ tuần tới có thể trả nợ cho chính phủ dưới dạng mua lại các cổ phần của mình mà hiện do chính phủ nắm giữ.

Bắt đầu từ năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu lan rộng và có nguy cơ làm sụp đổ hệ thống ngân hàng, Chính phủ Mỹ đã bơm một lượng tiền lớn vào nhiều ngân hàng dưới dạng mua cổ phần của các thể chế này.

Sau cuộc "sát hạch" mới đây với kết quả tích cực về tình trạng tài chính của 19 công ty nắm giữ ngân hàng, FED đã "bật đèn xanh" cho một số công ty được mua lại các cổ phần này từ ngày 8/6 tới.

Trong một tuyên bố, FED khẳng định các ngân hàng "phải chứng tỏ được khả năng tiếp cận với các thị trường nợ dài hạn" mà không cần sự đảm bảo của chính phủ và "phải chứng tỏ một cách thuyết phục khả năng tiếp cận với các thị trường vốn ngoài chính phủ".

Theo FED, việc hoàn vốn phụ thuộc vào khả năng của ngân hàng trong việc "tiếp tục hoàn thành vai trò của người trung gian tạo điều kiện cho hoạt động cho vay tới các gia đình và doanh nghiệp đáng tin cậy về tín dụng".

Một số ngân hàng lớn đã tuyên bố ý định hoàn vốn sớm cho chính phủ. JPMorrgan Chase cho biết ngân hàng này có ý định thu hút 5 tỉ USD bằng phát hành cổ phiếu thường để "thoả mãn điều kiện giám sát" đối với các ngân hàng lớn đã nhận vốn theo Chương trình Giải cứu Tài sản Xấu (TARP) của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, American Express cho biết đã bắt đầu phát hành hành ra công chúng 500 triệu USD cổ phiếu thường như một phần trong kế hoạch thu hút vốn và trả món nợ 3,4 tỉ USD của chính phủ.

Bộ Tài chính Mỹ đã bơm khoảng 200 tỉ USD vốn vào hàng chục ngân hàng trong cam kết 250 tỉ USD của Chương trình Mua Vốn và Chương trình TARP.

Tuy nhiên, một số ngân hàng cho rằng chương trình vốn có tính cưỡng buộc đối với họ và áp đặt những điều kiện như hạn chế về lương bổng đối với các quan chức điều hành, đồng thời làm dấy lên những lo ngại về sự can thiệp quá mức của chính phủ vào hoạt động của ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục