Chính phủ phấn đấu giữ chỉ số lạm phát 1 con số

Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ đang thực hiện các biện pháp đồng bộ để phấn đấu giữ chỉ số lạm phát ở một con số.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ đang thực hiện các biện pháp đồng bộ để phấn đấu giữ chỉ số lạm phát ở một con số.

Những biện pháp đồng bộ như quản lý chỉ số giá tiêu dùng, bình ổn giá cả, các biện pháp về tài chính ngân hàng; trong đó có cả vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tạo tâm lý ổn định xã hội.

Đề cập về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đang tiến hành các biện pháp quyết liệt để chỉ đạo các địa phương, các lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các hoạt động thương mại, nhất là niêm yết giá, quản lý giá.

Bộ cũng đã cùng Bộ Tài chính thực hiện các yêu cầu của Chính phủ, nhất là Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Bộ Công thương đã ban hành hai văn bản: số 45 ra ngày 1/11 gửi các thành viên Ban chỉ đạo 127 Trung ương và Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát thương mại trong nước, tình hình giá cả, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, phát hiện các vấn đề bức xúc để kịp thời giải quyết; văn bản số 850 của Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương gửi Chi cục thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện văn bản ngày 1/11 của Ban chỉ đạo 127 Trung ương.

Ổn định tỷ giá

Trước những lo ngại chỉ số giá vàng tăng mạnh ở mức 7,87% và giá USD tăng nhẹ ở mức 0,6% so với tháng trước, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng giá vàng tăng là do yếu tố tác động của giá vàng thế giới.

Tỷ giá VND và USD trong thời gian qua có sự biến động, đặc biệt là trên thị trường tự do, chủ yếu là do tính quy luật vào những tháng cuối năm cũng như những biến động của giá vàng thế giới và trong nước cùng với một số vấn đề về giá cả trong nước đã tác động đến tâm lý của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Trước tình hình này, Chính phủ đã họp đưa ra những quyết định kịp thời, các giải pháp cơ bản thực hiện hiện nay cũng như có tính lâu dài là tăng cung ngoại tệ ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2010 tiếp tục được cải thiện, thặng dư cán cân vốn vẫn lớn hơn thâm hụt của cán cân vãng lai. Để đảm bảo vốn cho xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo cung ứng nguồn vốn cho các nhu cầu xuất khẩu để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao.

Hiện các bộ ngành cũng phối hợp để giải ngân vốn FDI và khai thác các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ cầu về ngoại tệ phù hợp với mục tiêu của Chính phủ và mục tiêu của sản xuất.

Một can thiệp nữa là Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng sẽ bán ngoại tệ để sử dụng cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ được sử dụng đúng mục đích phục vụ cho nền kinh tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ đời sống dân sinh trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ra những quyết sách và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp và công chúng về chủ trương ổn định tỷ giá - một trong những vấn đề hiện nay cũng như lâu dài để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả cũng như ổn định tâm lý thị trường.

Trong thời điểm này, các ngân hàng thương mại vẫn có trạng thái ngoại tệ dương nên về nguyên tắc, nhu cầu ngoại tệ đáp ứng trên cơ sở thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cụ thể các trạng thái ngoại tệ từng ngân hàng thương mại, dòng tiền ngoại tệ đi vào hàng ngày của ngân hàng thương mại và nhu cầu mục đích sử dụng đúng các hoạt động thiết yếu để có các biện pháp can thiệp.

Ông Bảo cho biết, hiện các ngân hàng thương mại đang chuẩn bị tài liệu có liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét và Thống đốc sẽ thành lập tổ công tác để thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết từ tháng Tư năm nay, Việt Nam mới thực hiện lãi suất cho vay thỏa thuận bằng đồng VND, còn lãi suất huy động bằng đồng VND phải neo vào lãi suất cơ bản theo Luật. Sự thỏa thuận đồng thuận lãi suất là đồng thuận của các thành viên của Hiệp hội ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào sự đồng thuận đó.

Các ngân hàng thương mại cần có sự đồng thuận nhất định về giá đầu vào trên thị trường nhằm ổn định thị trường và có giá tương đối chuẩn để cho người gửi, người vay cũng như tổ chức tín dụng căn cứ vào đó thực hiện các hoạt động.

Ngày 5/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã họp với 15 ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh ngoại tệ lớn để bàn một số giải pháp liên quan đến lãi suất, tỷ giá và biện pháp này nhằm mục đích vừa ổn định tỷ giá thị trường vừa thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát theo Chỉ thị của Thủ tướng.

Tập trung hỗ trợ các tỉnh miền Trung

Thông báo về tình hình lũ lụt tại miền Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết hiện có 155 người chết, gần 30 người mất tích, gây thiệt hại về kinh tế 11.600 tỷ đồng.

Ngoài việc huy động các lực lượng cứu trợ, Chính phủ cũng hỗ trợ về vật chất hai đợt là: 770 tỷ đồng và 14.000 tấn gạo; đồng thời Chính phủ đã tạm ứng cho các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên 110 tỷ đồng và 3.500 tấn gạo.

Thời gian qua, lũ lụt ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn về thủy sản, 45.000 tấn thóc, gạo, hạt giống bị ướt. Thủ tướng đã có chỉ đạo trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay là hỗ trợ các tỉnh miền Trung vừa bị ảnh hưởng cũa lũ bão nhanh chóng phục hồi sản xuất, đời sống, bảo đảm vệ sinh môi trường, khôi phục cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện sớm nhất cho học sinh đến trường.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho địa phương, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải nắm sát tình hình, triển khai những biện pháp về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nhân dân các địa phương làm nhà ở để giúp dân vượt qua ảnh hưởng của bão lũ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của dân, tăng cường hệ thống dự báo, cứu hộ cứu nạn, điều chỉnh cơ cấu sản xuất để né bão lũ, đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp dân hạn chế thiệt hại do thiên tai...

Trả lời câu hỏi về việc bão lụt có làm ảnh hưởng đến sản lượng muối của bà con diêm dân hay không, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết hiện đang mưa bão nên chưa thể thống kê thiệt hại, Bộ sẽ tiếp tục thống kê trong thời gian tới.

Sẽ hỗ trợ nâng cao năng suất sản xuất muối công nghiệp

Về việc thu mua muối của bà con diên dân, Bộ trưởng cho biết đã giao Tổng công ty lương thực miền Bắc việc này. Nhưng mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng Tổng công ty lương thực miền Bắc chỉ có thể thu, mua được vài chục ngàn tấn so với số lượng bà con nông dân sản xuất ra.

Nguyên nhân chính là do Tổng công ty lương thực miền Bắc không có kho. Nếu có chỉ là đi thuê kho tạm, ở ngoài trời, nên rất rủi ro.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết từ đầu năm nay, doanh nghiệp Hạ Long đã bước đầu đi vào sản xuất muối công nghiệp, mang lại hiệu quả tốt. Từ mô hình đó có thể tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư vào sản xuất muối công nghiệp.

Hiện nay, sản lượng muối của Việt Nam có khoảng 1,1 triệu tấn so với bình quân 90.000 tấn những năm trước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề xuất với Chính phủ những chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất sản xuất muối công nghiệp ở các khu vực khác.

Xử lý những cá nhân sai phạm trong vụ xả lũ ở sông Ba Hạ gây lũ lụt

Về thông tin xả lũ ở sông Ba Hạ gây lũ lụt, làm thiệt hại cho nhân dân, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết ngày 23/10 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1757 về quy trình vận hành liên hồ chứa. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Công ty Sông Ba Hạ có trách nhiệm vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ.

Lúc 4 giờ sáng ngày 2/11 vừa qua, sau khi tính toán lưu lượng nước ở thượng lưu đổ về và lượng nước trong hồ, Công ty thấy rằng phải tiến hành xả lũ để bảo đảm cho hồ. Đến 4 giờ, công ty báo bằng fax đến Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương. Công ty cũng đã gửi email và gọi điện cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Thời gian Công ty tiến hành việc thông báo là từ 5-5 giờ 30. Đến 7 giờ 30, Công ty bắt đầu xả lũ và báo cáo tình hình xả lũ từng giờ đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Thiếu sót duy nhất của Công ty là không có thông báo chính thức đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên (theo đúng quy trình là phải thông báo đến Ủy ban Nhân dân tỉnh trước 2 giờ).

Ngày 4/10, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty cổ phần thủy điện Ba Hạ yêu cầu giải trình báo cáo lại thông tin xả lũ với cường độ lớn gây ngập lụt ở các vùng hạ lưu và không báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh. Bộ đang đợi báo cáo và sẽ xử lý những cá nhân liên quan nếu có sai phạm.

Tái cơ cấu lại Vinashin


Thông báo về tái cơ cấu lại Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trước tình hình kinh doanh kém hiệu quả và có tám lãnh đạo cũ của Vinashin bị khởi tố bắt giam, Chính phủ đã có Đề án tái cơ cấu lại Vinashin theo hướng tập trung vào ngành chủ lực là đóng tàu biển, sửa chữa tàu biển và đào tạo công nhân cũng như một số dịch vụ đóng và sửa chữa tàu biển.

Sau thời gian tổ chức lại, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và các ngành chức năng, cùng với việc tái cơ cấu lại, Vinashin đã bán được một số tàu, thu về trên 150 triệu USD. Từ nay đến cuối năm tiếp tục giao dự án có nhiều con tàu hiện đại trị giá hàng trăm triệu USD.

Hiện Vinashin nợ 86.000 tỷ đồng nhưng tổng số tài sản là 104.000 tỷ đồng với 22 nhà máy đang hoạt động tạo việc làm cho hơn 6.000 công nhân. Đến nay, vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, việc làm ở Vinashin đã có bước cơ bản ổn định.

Trong phương án tái cơ cấu, Vinashin có thế mạnh về đóng và sửa chữa tàu biển phục vụ cho chiến lược biển của Việt Nam. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ với các cấp các ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng trong thời gian tới, Vinashin sẽ tiếp tục được xử lý từng bước để Vinashin đi vào ổn định và tạo được hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề nợ của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Công Nghiệp khẳng định: nợ Chính phủ đang ở mức an toàn, dưới 50%.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để xây dựng chính sách nhằm tăng cường các biện pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội được tốt hơn, đồng thời sẵn sàng trả lời thẳng thắn ý kiến mà các đại biểu Quốc hội quan tâm./.

Thanh Vân-Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục