Chính phủ Pháp nỗ lực giải quyết làn sóng biểu tình "Áo vàng"

Thủ tướng Pháp ngày 3/12 đối thoại với lãnh đạo các đảng phái chính trị, những người đứng đầu phong trào biểu tình "Áo vàng" trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho làn sóng phản đối tăng giá nhiên liệu.
Chính phủ Pháp nỗ lực giải quyết làn sóng biểu tình "Áo vàng" ảnh 1Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 3/12 đã có cuộc đối thoại với lãnh đạo các đảng phái chính trị và những người đứng đầu phong trào biểu tình "Áo vàng" trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho làn sóng biểu tình phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu kéo dài trong nhiều tuần qua trên khắp nước Pháp, khiến hàng trăm người bị thương và để lại nhiều thiệt hại nặng nề tại thủ đô Paris.

Cuộc đối thoại trên diễn ra theo yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trước đó, ngày 2/11, ông Macron đã có cuộc họp khẩn Thủ tướng Philippe, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner và Bộ trưởng Môi trường François de Rugy nhằm đánh giá thiệt hại do làn sóng biểu tình tại thủ đô Paris gây ra.

Tổng thống Pháp lo ngại các công trình ở Paris như Khải Hoàn Môn, hay một số công trình trên Đại lộ Champs-Elysees đã bị nhiều phần tử quá khích đập phá hay vẽ bẩn.

Ông Macron khẳng định không chấp nhận tình trạng bạo lực này và không có điều gì lý giải cho việc quan chức chính phủ bị tấn công, nhiều cơ sở kinh doanh bị cướp bóc hay các du khách và nhà báo bị đe dọa.

Đối với Tổng thống Pháp, thủ phạm của những vụ bạo động là những kẻ chỉ "muốn tạo ra hỗn loạn" và họ sẽ phải trả lời trước pháp luật về những hành vi phạm tội của họ.

Ngoài đại lộ danh tiếng Champs-Elysees, Bảo tàng Louvre, Nhà hát Opera và quảng trường Vendome và một số cửa hàng tại trung tâm thủ đô Paris cũng bị các phần tử quá khích làm hư hỏng.

Chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron không loại trừ khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình hình.

Cảnh sát trưởng thành phố Paris Michel Delpuech cho hay trong suốt làn sóng biểu tình nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua tại Pháp, đã có hơn 400 người bị bắt và 378 đang bị giam giữ trong ngày biểu tình diễn ra ngày 1/12 vừa qua. Tổng cộng 263 người bị thương trong các cuộc biểu tình khắp cả nước, trong số này 23 người là nhân viên lực lượng an ninh.

[Tổng thống Macron không có bài phát biểu về cuộc khủng hoảng “áo vàng”]

Làn sóng biểu tình dẫn tới tình trạng bạo loạn đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan ngại bởi thiệt hại lên tới hàng tỷ euro.

Đại diện của liên quan các doanh nghiệp bán lẻ của Pháp Jacques Creyssel cho hay đã trải qua 3 tuần liên tiếp những người biểu tình cản trở hoạt động kinh doanh gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp.

Dự kiến, cũng trong ngày 3/12, đại diện của các doanh nghiệp có cuộc họp với quan chức Bộ Kinh tế Pháp.

Quyết định tăng thuế nhiên liệu có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân.

Dù chính phủ cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố trên cả nước để phản đối.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định chính phủ nước này sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu mới áp dụng từ tháng 10 vừa qua, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối trên phạm vi cả nước.

Kể từ khi lên nắm quyền từ cách đây hơn một năm, Tổng thống Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm định hình lại nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền.

Những biện pháp cải cách gây tranh cãi, đặc biệt là quyết định cho phép nới lỏng các luật về thuê và sa thải người lao động, đã khiến chỉ số tín nhiệm dành cho ông chủ Điện Elysée đang giảm xuống mức thấp.

Dự kiến, tháng 1/2019 tới sẽ có thêm một đợt tăng giá dầu diesel, nhiên liệu vốn được sử dụng rất phổ biến tại Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục