Chính phủ Thái tỏ ý chấp nhận hoãn bầu cử

Chính phủ Thái Lan tỏ ý chấp nhận hoãn cuộc bầu cử 2/2

Chính phủ Thái Lan đã tỏ ý chấp nhận việc hoãn bầu cử sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp nhưng họ đặt điều kiện người biểu phải giải tán.
Chính phủ Thái Lan tỏ ý chấp nhận hoãn cuộc bầu cử 2/2 ảnh 1Những người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại thủ đô Bangkok ngày 24/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 25/1, Phong trào biểu tình chống chính phủ lại tổ chức tuần hành trên các đường phố ở thủ đô Bangkok để kêu gọi người dân ủng hộ việc cải cách trước khi tổ chức bầu cử.

Cuộc tuần hành do thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban trực tiếp dẫn đầu nhằm mục tiêu giải thích cho người dân hiểu thêm về việc cần phải cải cách Thái Lan.

Cuộc tuần hành này diễn ra bất chấp việc cảnh sát Thái Lan vừa tuyên bố cấm tụ họp trên 25 tuyến phố và xâm nhập vào các cơ quan nhà nước cũng như chính phủ.

Những người biểu tình nói rằng họ sẽ không cản trở hay phản đối việc cử tri đi bầu cử trong cuộc bỏ phiếu sớm, nhưng sẽ phát động chiến dịch thực hiện cải cách trước bầu cử.

Người biểu tình không không chỉ đòi hoãn cuộc bầu cử vào ngày 2/2 sắp tới mà họ còn muốn cả Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng phải từ chức.

Cảnh sát Thái Lan đã tổ chức tăng cường lực lượng ở các điểm bầu cử nhằm đảm bảo an ninh cho những cuộc bỏ phiếu vào ngày 26/1 bởi vẫn có những khả năng xảy ra bạo lực.

Chính phủ Thái Lan đã tỏ ý chấp nhận việc hoãn bầu cử sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Tuy nhiên, họ đặt điều kiện rằng người biểu tình phải giải tán và cam kết không được tẩy chay các cuộc bỏ phiếu mới.

Việc trì hoãn bầu cử theo phía chính phủ là không có ý nghĩa nếu Phong trào biểu tình tiếp tục có các hành động phản đối.

Ủy ban bầu cử Thái Lan dự kiến sẽ mời bà Yingluck tham gia một cuộc gặp nhằm thảo luận về cách thức hoãn bầu cử.

Theo Ủy ban bầu cử chính phủ có thể tìm kiếm một sắc lệnh mới của Hoàng gia nhằm ấn định ngày bầu cử mới và hủy bỏ thời gian bầu cử cũ.

Ngày bầu cử mới có thể sẽ không lâu quá ba tháng kể từ sau ngày thống nhất được việc hoãn bỏ phiếu. Tuy nhiên, ngày tổ chức bỏ phiếu sớm vào ngày mai vẫn phải diễn ra theo kế hoạch.

Phán quyết có thể hoãn bầu cử của Tòa án hiến pháp được coi là động thái tháo ngòi nổ cho khả năng xung đột có thể xảy ra bởi cả chính phủ và phe biểu tình đều thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu riêng của mỗi bên.

Chính phủ Thái Lan giải thích rằng cả họ và Ủy ban bầu cử đều không có quyền hoãn bầu cử bởi hiến pháp hiện nay không cho họ cái quyền đó. Tuy nhiên, sự can thiệp của Tòa án hiến pháp sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để chính phủ và ủy ban bầu cử thảo luận về chuyện này.

Truyền thông Thái Lan đưa tin cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã biết được phán quyết của tòa án và có thể sẽ nhất trí hoãn cuộc bầu cử này nếu nó dẫn tới xung đột bạo lực bởi sự đe dọa làm giám đoạn công tác bỏ phiếu của người biểu tình.

Trong trường hợp chính phủ Thái Lan thống nhất hoãn cuộc bầu cử 2/2 với Ủy ban bầu cử thì sức ép mà họ đang phải đối mặt sẽ chuyển sang phía những người biểu tình mà ông Suthep đang là chỉ huy trưởng.

Chủ tịch đảng Vì nước Thái Charupong Ruangsuwan cho biết hiến pháp hiện nay có thể hoãn cuộc bầu cử đột xuất trong vòng từ 45 đến 60 ngày, do vậy, do vậy ngày tổ chức cuộc bỏ phiếu mới sẽ không muộn hơn 6/5.

Trong khi đó, Ủy ban bầu cử dự kiến có thể sẽ hoãn tới sáu tháng để các công tác chuẩn bị được chu đáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục