Chính quyền quân sự Thái Lan công bố kế hoạch hòa giải dân tộc

Chính quyền quân sự Thái Lan vừa cho công bố một kế hoạch tám điểm nhằm thực thi các nhiệm vụ cải cách đất nước và thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc.
Chính quyền quân sự Thái Lan công bố kế hoạch hòa giải dân tộc ảnh 1 Tướng Prayuth Chan-O-Cha phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở quân đội tại Bangkok ngày 26/5. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Chính quyền quân sự Thái Lan vừa cho công bố một kế hoạch tám điểm nhằm thực thi các nhiệm vụ cải cách đất nước và thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc.

Việc thúc đẩy hòa hợp dân tộc, chấm dứt tranh cãi chính trị và cải cách đất nước được cho là những nguyên nhân để quân đội Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính vừa qua.

Theo kế hoạch này, nhiệm vụ ưu tiên của họ sẽ là thành lập các trung tâm phục vụ cải cách, gồm một trung tâm chính đặt dưới sự quản lý của Hội đồng trật tự và hòa bình quốc gia và các trung tâm khu vực do quân đội ở các vùng điều khiển.

Nhiệm vụ chính của các trung tâm này là thực hiện hòa giải dân tộc và loại bỏ những bất đồng về tư tưởng của các phe phái để tiến tới chuẩn bị công cuộc cải cách đất nước. Các trung tâm này sẽ bao gồm tất cả các thành phần và các phe nhóm chính trị.

Trong giai đoạn đầu của kế hoạch này, Hội đồng trật tự và hòa bình sẽ nắm quyền điều hành đất nước. Tiếp theo sẽ là việc ban hành hiến pháp lâm thời, thành lập một chính phủ tạm quyền và thiết lập hội đồng cải cách nhằm tiến hành cải cách, loại bỏ tham nhũng và tạo nên sự hòa hợp dân tộc.

Một hội đồng lập pháp cũng sẽ được thành lập nhằm thông qua các điều luật tạo điều kiện cho tiến trình cải cách. Giai đoạn cuối cùng là tổ chức tổng tuyển cử sau khi tiến trình cải cách được hoàn tất.

Để triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại các bộ, ngành và cơ quan nhà nước, chính quyền quân sự sẽ thành lập các ban do các tư lệnh lực lượng vũ trang đứng đầu nhằm giám sát chính sách kinh tế, an ninh và xã hội do Hội đồng trật tự và hòa bình đưa ra để đảm bảo phù hợp với các quy định dân sự, tính minh bạch và sự công bằng.

Tuy nhiên, quyền hoạch định chính sách thường do Thủ tướng hoặc Nội các thực hiện giờ đây sẽ nằm hoàn toàn trong tay người đứng đầu chính quyền quân sự, tướng Prayuth Chan-ocha, người đã tự đảm nhiệm cả vị trí Thủ tướng sau khi thực hiện đảo chính.

Những người biểu tình chống chính phủ trước đây vẫn luôn yêu cầu chỉ định một thủ tướng mới không thông qua bầu cử và tiến hành cải cách toàn diện trước khi tổ chức bầu cử. Mọi chuyện sau đảo chính dường như dường như đang diễn ra gần giống với kịch bản này.

Cùng với việc công bố kế hoạch trên, chính quyền quân sự cũng đã chỉ định một ủy ban chịu trách nhiệm về an ninh, kinh tế, luật pháp và trật tự. Người đứng đầu ủy ban này là tướng Prawit Wongsuwan, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ Abhisit Vejjajiva, trong khi tướng Anupong Paochinda, cựu Tư lệnh lục quân, được giao làm cố vấn an ninh.

Cho tới thời điểm này, các thủ lĩnh biểu tình gồm cả nhân vật chính là ông Suthep Thaugsuban đã được chính quyền quân sự trả tự do, trong khi số phận của các thủ lĩnh áo đỏ vẫn còn là một ẩn số.

Những người tiến hành đảo chính dường như vẫn muốn giam giữ các thủ lĩnh áo đỏ trước xu thế phản đối đảo chính ngày càng gia tăng của người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục