Chính quyền xã tự ý ''đổi'' cát lấy bêtông xây dựng nông thôn mới

Ủy ban Nhân dân xã Phổ Thuận đã tự ý cho doanh nghiệp bán lượng cát còn dư trong tiêu chuẩn khai thác cát phục vụ công trình nông thôn mới, để bù vào phí vận chuyển và "hoán đổi" lấy bê tông .
Chính quyền xã tự ý ''đổi'' cát lấy bêtông xây dựng nông thôn mới ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác 6.797m3 cát để hỗ trợ vật liệu phục vụ các công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ.

Do chỉ sử dụng hết khoảng 5.000m3 cát, nên số dư ra Ủy ban Nhân dân xã Phổ Thuận đã tự ý cho doanh nghiệp bán để bù vào phí vận chuyển và cho doanh nghiệp “hoán đổi” cát lấy bêtông để phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Phổ Thuận với Ủy ban Nhân dân huyện Đức Phổ, toàn xã Phổ Thuận có 75 tuyến đường giao thông nông thôn (tổng chiều dài 30km) và 17 tuyến thủy lợi được cấp ximăng để cứng hóa bằng bêtông.

Dự tính, khối lượng cát cần thiết để phục vụ các công trình này là 5.000m3. Trong khi đó, khối lượng cát Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép cho xã khai thác tại ba điểm trên sông Trà Câu, đoạn qua thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận, là 6.797m3.

[Có hay không việc lợi dụng khai thác cát phục vụ nông thôn mới để bán?]

Ủy ban Nhân dân xã Phổ Thuận đã hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Quảng cáo Hồng Sang để khai thác cát tại ba điểm đã được tỉnh cấp phép, nhằm phục vụ các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã Phổ Thuận; đồng thời giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Quảng cáo Hồng Sang hợp đồng với bảy thôn trong việc khai thác cát vận chuyển về bãi tập kết của các thôn, thi công các công trình của các thôn. Số cát còn dôi ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Quảng cáo Hồng Sang có trách nhiệm tính toán chi phí để đầu tư toàn bộ vật liệu và công xây dựng 1,1km đường ở xóm Bình Mỹ Trên (đoạn đường này không được tỉnh hỗ trợ ximăng).

Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Quảng cáo Hồng Sang được tận dụng nguồn cát của bãi cát bến Núi Giang, hoán đổi cho doanh nghiệp Bách Bằng và doanh nghiệp Công Trọng để đổi lấy bêtông đầu tư cho các tuyến đường ngõ xóm của thôn Thanh Bình.

Lý giải về việc cho doanh nghiệp “hoán đổi,” ông Nguyễn Quang Thống, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phổ Thuận, cho biết việc này xin cấp trên thì chưa xin nhưng trong quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho xã Phổ Thuận quản lý, vận chuyển cát để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để vận chuyển, xã không có kinh phí chi trả cho đơn vị vận chuyển nên dùng cách hoán đổi. Ví dụ, 10m3 cát Ủy ban Nhân dân xã cho vận chuyển về các thôn 7m3 còn 3m3 trả cho doanh nghiệp để họ tính toán chi phí vận chuyển. Thực tế khối lượng cát được tỉnh cho phép khai thác phù hợp với nhu cầu các công trình xây dựng nông thôn mới của xã. Xã không khai thác ngoài mốc giới và vượt khối lượng cho phép.

Về việc vì sao chưa được cơ quan chức năng cấp trên cho phép, nhưng xã vẫn tự ý “vượt thẩm quyền” cho doanh nghiệp “hoán đổi” cát, xã có quản lý được chính xác khối lượng cát doanh nghiệp đã khai thác và số cát doanh nghiệp “hoán đổi” hay không, tại sao 75 tuyến đường giao thông nông thôn và 17 tuyến thủy lợi của xã (bắt đầu thi công từ tháng 6/2018) đều do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Quảng cáo Hồng Sang thi công, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Thuận Huỳnh Văn Khánh cho hay Đảng bộ, Hội đồng Nhân dân xã đã thông qua việc cho doanh nghiệp hoán đổi cát nhằm phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tuy cấp trên không có thông báo cho phép hoán đổi, nhưng tỉnh có các thông báo cho phép tận dụng để xây dựng nông thôn mới.

Lúc đầu cho doanh nghiệp khai thác để phục vụ toàn bộ công trình trong địa phương nên hai mỏ đầu cung cấp cho các tuyến giao thông của xã; đến mỏ thứ 3, thấy khối lượng dư thừa nên mới cho hoán đổi để hỗ trợ nhân dân thôn Thanh Bình - nơi có mỏ cát. Nhờ đó, người dân thôn Thanh Bình không phải đóng bất kỳ chi phí nào nhưng vẫn có đường bêtông nông thôn. Việc thi công các công trình là do các thôn tự ký kết với nhà thầu. Về phía doanh nghiệp, nói họ lợi dụng việc này để kinh doanh lấy lời là không đúng.

Ông Nguyễn Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Phổ, cho rằng nếu xã muốn làm vậy thì phải xin phép và phải có sự kiểm soát. Cần có sự tính toán cụ thể tiền công vận chuyển là bao nhiêu, từ đó mới tính ra một khối cát bán được bao nhiêu và cần bán bao nhiêu để bù cho doanh nghiệp.

Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trước khi cấp phép một mỏ cát sẽ có một đơn vị chuyên môn khảo sát, đo, vẽ địa hình khu vực đó, khoan thăm dò làm cơ sở để đơn vị tư vấn đánh giá trữ lượng. Từ đó, Sở Tài nguyên Môi trường mới kiểm tra trữ lượng có đúng hay không rồi tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp giấy phép. Số xã được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép khai thác cát để phục vụ xây dựng nông thôn mới rất ít. Hiện tại, không có xã nào xin phép được hoán đổi cát để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Nhu cầu sử dụng của đơn vị được cấp phép đến đâu thì chỉ được khai thác đến đó, chứ không được tự ý bán, sử dụng vào mục đích khác. Nếu có trường hợp xã tự ý cho doanh nghiệp bán, sử dụng sai mục đích khi có thanh tra, xã đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trước đó, ngày 20/9, VietnamPlus đã đăng bài viết “Có hay không việc lợi dụng khai thác cát phục vụ nông thôn mới để bán?” phản ánh việc người dân bức xúc trước việc doanh nghiệp lợi dụng được cấp phép khai thác cát phục vụ xây nông thôn mới trên địa bàn xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, đã bán cát ra ngoài nhằm hưởng lợi.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Phổ đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục