Chính sách của Mỹ đối với Trung Đông: 10 năm nhìn lại

Theo mạng tin eurasiareview, từ "ngoại giao thông minh" của ông Obama đến "ngoại giao hấp tấp" của ông Trump, thập kỷ qua đã chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ.
Chính sách của Mỹ đối với Trung Đông: 10 năm nhìn lại ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại Iraq. (Nguồn: AP)

Theo mạng tin eurasiareview, nền chính trị thế giới đã thay đổi ra sao trong 10 năm qua? Từ "ngoại giao thông minh" của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (giương cao các tư tưởng Mỹ, hồi sinh chủ nghĩa đa phương) tới "ngoại giao hấp tấp" của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump (chống lại truyền thống của Mỹ và nghi kị sâu sắc các thể chế quốc tế), thập kỷ qua đã chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh chính trị toàn cầu.

Trong số một loạt thay đổi về chính sách đối ngoại của Mỹ, chính sách về Trung Đông của Obama là chính sách mới nhất vừa được xem xét lại.

Trong bối cảnh xảy ra nhiều bất ổn xung quanh quyết định của Trump rút quân Mỹ ra khỏi Syria, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tìm cách phác thảo tầm nhìn mới cho chính sách Trung Đông của Mỹ.

Ông đã có một bài phát biểu tại Cairo (Ai Cập) - cũng là nơi cựu Tổng thống Obama phát biểu 10 năm trước. Lời quở trách sắc bén trong bài phát biểu của ông Pompeo đối với chính sách Trung Đông của ông Obama đã tạo ra cả sự vui mừng và sợ hãi - vui mừng cho những kẻ đe dọa hòa bình, và lo sợ cho những người mong muốn sự ổn định.

Bài phát biểu cũng làm lộ ra sự thiếu nhất quán giữa lời nói của chính phủ Mỹ về việc giành lại tầm ảnh hưởng đã mất ở khu vực và quyết tâm của Washington trong việc đầu tư các nguồn lực để tạo ra một sự thay đổi chiến lược.

[Chuyên gia: Nội bộ Mỹ bất đồng về vấn đề rút quân khỏi Syria]

Trong bài phát biểu của mình, ông Obama đã nỗ lực tìm cách hòa hợp các giá trị Hồi giáo với nền dân chủ phương Tây. Ông lập luận rằng chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau sự kiện 11/9/2011 được hình thành dựa trên sự thù hận và ngăn chặn.

Nỗ lực của ông Obama, nhằm chuộc lỗi cho những rắc rối trước đây mà các chính sách của Mỹ đã gây ra cho khu vực Trung Đông, đã gửi đi một thông điệp tích cực cho những người Hồi giáo trên khắp thế giới.

Ông nói rằng chính thể Mỹ và Hồi giáo không đối đầu với nhau, đồng thời khẳng định cả hai đều có mối quan hệ thân thiết kể từ khi chính thể Mỹ ra đời. Ông cũng cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra nếu bất đồng giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo không được thu hẹp.

Ông nói: "Chừng nào mối quan hệ này được định hình dựa trên những bất đồng, chúng ta sẽ tìm cách đánh bại những kẻ gieo rắc sự thù ghét chứ không phải hòa bình, và những kẻ kích động xung đột hơn là hợp tác". Sau bài phát biểu đó, chính quyền Obama bắt đầu tìm kiếm hòa bình và ổn định cho khu vực bằng các biện pháp hợp tác. Để làm được điều đó, Obama đã theo đuổi các hoạt động ngoại giao đa phương nhằm cải thiện quan hệ với Iran và đã đạt được những tiến triển đáng kể trong vấn đề này.

Hơn nữa, bài phát biểu của Obama đã giải đáp được câu hỏi về vấn đề Palestine và kế hoạch thúc đẩy dân chủ ở khu vực.

Ông nhấn mạnh: "Israel phải thừa nhận rằng cũng như Israel, quyền được tồn tại của Palestine không thể bị phủ nhận. Mỹ không công nhận tính hợp pháp của việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư. Các công trình này vi phạm các thỏa thuận trước đây và làm xói mòn các nỗ lực nhằm đạt được hòa bình. Đã đến lúc cần dừng các khu định cư này lại." Điều này thể hiện rõ ràng cam kết của chính phủ Mỹ khi đó đối với giải pháp hai nhà nước, và phản đối việc Israel vi phạm các quyền cơ bản của người dân Palestine.

Bên cạnh đó, trong khi tránh chỉ trích trực tiếp các chế độ chuyên chế ở Trung Đông, ông Obama đã khéo léo đặt ra câu hỏi về những quyền không thể nhượng bộ của công dân, đặc biệt là quyền của phụ nữ. Tóm lại, quan điểm của ông Obama đối với quan hệ của Mỹ và Trung Đông dựa trên tư tưởng cùng tồn tại, thuyết đa nguyên và chủ nghĩa đa phương.

Đối lập với điều này, Ngoại trưởng Pompeo lại thể hiện một khía cạnh mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Đông. Sự can thiệp quá mức của Mỹ vào Trung Đông chưa bao giờ làm được điều gì có lợi cho khu vực.

Trước đây, những nỗ lực nhằm thay đổi chế độ thông qua sự hỗ trợ từ bên ngoài chỉ đem lại sự đau khổ và hỗn loạn. Từ các ví dụ điển hình như chế độ Mosaddeq ở Iran, hay chính phủ Saddam Hussein ở Iraq, những nỗ lực nhằm làm gián đoạn các tiến trình tự nhiên đã gây tổn hại cho hòa bình và an ninh của khu vực. Mặc dù trách mắng quyết định rút quân khỏi Iraq của ông Obama, song cần nhớ rằng chính sách can thiệp vào Trung Đông của cựu Tổng thống George W. Bush đã tái định hình bối cảnh chính trị của khu vực, gây đe dọa và làm suy yếu trật tự chính trị của khu vực.

Bằng cách đánh giá thấp những gì mà chính quyền Obama đã làm nhằm khôi phục hình ảnh nước Mỹ là người bảo vệ cho trật tự dựa trên luật pháp, ông Pompeo đã vạch ra chiến lược cho nước Mỹ, theo đó sẽ siết chặt Iran từ bên trong và ủng hộ Israel cùng các chế độ độc tài khác.

Câu hỏi về Palestine - vấn đề quan trọng đối với an ninh của khu vực, và vụ sát hại nhà báo Khashoggi - một vấn đề nòng cốt đối với những người Mỹ ở nước ngoài, đều bị ngoại trưởng Mỹ bỏ qua.

Trên thực tế, chính sách đối ngoại của Obama tạo ra sự cân bằng giữa chủ nghĩa lý tưởng và tính thực dụng được che đậy cẩn thận. Cựu tổng thống Mỹ đã làm hồi sinh bản chất đa phương của trật tự quốc tế. Ông thẳng thắn bác bỏ sự thù ghét, ngược đãi và đe dọa. Tất cả những điều này hoàn toàn khác biệt với quan điểm của ông Trump về Trung Đông.

Trừng phạt Iran, đảo ngược nỗ lực của Obama nhằm tái định hình quan điểm của Mỹ đối với thế giới Hồi giáo và không ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Israel-Palestine là những điều Trump đã làm khi thay đổi chính sách Trung Đông của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục