Chính sách của Tổng thống Trump và tương lai vô định của WTO

Tổng thống Donald Trump đang “chĩa súng” vào Trung Quốc nhưng thực ra một cuộc chiến quy mô lớn hơn nhiều đang âm ỉ trực chờ bùng phát trong WTO khiến tương lai của tổ chức này chưa biết sẽ thế nào.
Chính sách của Tổng thống Trump và tương lai vô định của WTO ảnh 1(Nguồn: CNN)

Mới đây trên Stratfor, trang mạng chuyên cung cấp thông tin phân tích tình báo, địa chính trị toàn cầu có đăng bài phân tích về chính sách của Tổng thống Trump liên quan đến tương lai của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo bài viết, Tổng thống Donald Trump đang “chĩa súng” vào Trung Quốc nhưng thực ra một cuộc chiến quy mô lớn hơn nhiều đang âm ỉ trực chờ bùng phát trong WTO khiến tương lai của tổ chức này chưa biết sẽ thế nào.

Hai năm qua, nước Mỹ đã ngăn cản việc bổ nhiệm thêm nhân sự vào Cơ quan Phúc thẩm Thương mại của WTO (Appellate Body) - nơi có thể hiểu là tòa phúc thẩm giải quyết các tranh chấp thương mại do các nước thành viên WTO đệ trình lên. Và nếu từ giờ đến ngày 10/12/2018 mà không có nhân sự nào được bổ nhiệm thêm vào cơ quan này thì số thành viên hiện tại không đủ để có quyền giải quyết các vụ tranh chấp.

Trên thực tế, Mỹ đang đe dọa loại bỏ cơ quan này cho dù từ lâu nó vốn được biết đến là cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại rất hiệu quả, đồng thời ra tối hậu thư cho cả thế giới thời hạn một năm để xúc tiến cải tổ theo yêu cầu của Mỹ, hoặc tìm ra các giải pháp khác, hoặc chứng kiến Cơ quan Phúc thẩm tranh chấp thương mại tan rã.

Giờ đây khi Trung Quốc nổi lên như một siêu cường mới, Chính quyền Trump có lẽ đã tính rằng cơ chế phúc thẩm tranh chấp này - vốn là sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh - chẳng đáng được nâng cấp hay cải tiến làm gì nữa. Chính quyền Mỹ thấy WTO không còn phù hợp nhưng thực ra tổ chức này là sản phẩm được ra đời sau 40 năm Mỹ liên tục gây sức ép với cộng đồng quốc tế.

Ở hội nghị Bretton Woods năm 1944, đại diện các nước đề xuất thành lập ba cơ quan để đặt nền móng cho một hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ nhằm đối phó với khối các nước Đông Âu do nhà nước Xôviết lãnh đạo.

Hai trong ba tổ chức nói trên là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn tồn tại đến nay nhưng tổ chức thứ ba, WTO, lúc đó không hoạt động được vì những người ủng hộ cơ chế này của phía Mỹ không thể thuyết phục để hiến chương của WTO được Thượng viện Mỹ thông qua. Thay vào đó, lãnh đạo các nước cho ra đời Hiệp ước chung về Thuế quan và Thương mại (GATT).

Mặc dù GATT quy định giảm thuế nhưng nó lại không giảm được những rào cản phi thuế quan, như những quy định, tiêu chuẩn khác nhau, chưa kể chức năng giải quyết tranh chấp của GATT là rất yếu.

Không giống với GATT, WTO tự hào là có cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại đầy quyền lực có tên gọi là Hiệp định về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp. Thay bằng việc phải có sự đồng thuận của các nước thành viên đối với phát quyết của ban xét xử tranh chấp như trước đây, cơ chế của WTO quy định tất cả các phán quyết của ban xét xử đều có hiệu lực, trừ khi tất cả các nước thành viên bác bỏ bản án của ban xét xử. Điều khoản này đã giúp cho tất cả các phán quyết của ban xét xử đều được thông qua.

Thách thức từ Trung Quốc

WTO ra đời trong bối cảnh Liên bang Xôviết sụp đổ. Đó là sản phẩm từ thời kỳ chiến tranh lạnh và đại diện cho trật tự thế giới tự do mới, ít ra là trong lĩnh vực thương mại.

Và khi Trung Quốc nhanh chóng vượt Liên bang Xôviết trong việc thách thức Mỹ về kinh tế thì Mỹ cũng nhanh chóng nhận ra rằng sản phẩm do chính Mỹ tạo ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh (là WTO) không thể đối phó với Bắc kinh một cách hiệu quả, và trên thực tế nhiều nước đã phàn nàn Trung Quốc luôn phớt lờ các quy định của WTO mà họ cam kết tuân thủ khi gia nhập tổ chức này năm 2001.

Hiện nay, một vấn đề có lẽ sẽ quyết định tương lai của tổ chức WTO là việc liệu Mỹ và các nước khác có tiếp tục coi Trung Quốc là nền kinh tế thị trường hay không.

Phán quyết sơ bộ về một vụ tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ được công bố vào đầu năm 2019. Nếu WTO ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc (tức là công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường), điều đó sẽ khiến Mỹ khó có thể trả đũa Trung Quốc thông qua các loại thuế chống bán phá giá bởi vì theo luật của WTO thì ngăn chặn các nước chưa có nền kinh tế thị trường có ý định bán phá giá sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu WTO ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc, Mỹ sẽ thêm quyết tâm xử lý vấn đề Trung quốc bên ngoài khuôn khổ WTO.

Ảnh hưởng của Trump đối với các mục tiêu của nước Mỹ

Mỹ đang bức xúc vì Cơ quan Phúc thẩm WTO đã vượt quá quyền hạn thì Mỹ và Trung Quốc lại tiến gần hơn đến cuộc xung đột kinh tế. Mỹ chắc chắn sẽ nghiên cứu kỹ lại WTO và tìm cách cải tổ nó để đối phó với Trung Quốc. Dù quá trình này có thể sẽ kéo dài, nhưng ông Trump vẫn tỏ ra quyết tâm giải quyết vấn đề WTO, thậm chí đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi tổ chức này.

Tuy nhiên, khả năng này sẽ gần như không thể xảy ra. Làm như vậy sẽ khiến chính nước Mỹ gặp khó khăn về mặt kinh tế và Hạ viện sẽ phủ quyết quyết định của ông Trump. Trước mắt, Chính quyền Trump sẽ tiếp tục phớt lờ Cơ quan Phúc thẩm WTO. Ông Trump cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp này đang ảnh hưởng đến cách thương thảo ưa thích của ông: đó là áp các loại thuế suất, hay ít ra cũng đe dọa áp thuế để các đối thủ của Mỹ phải rút lui.

[Nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến xấu hơn]

Chính sách ngoại giao đơn phương và đe dọa rút khỏi WTO mà Mỹ hiện áp dụng đã khiến nhiều nền kinh tế lớn phải tiến hành cải cách để vừa lòng Mỹ và cứu tổ chức này. Hiện, EU và Canada đã đệ trình các đề xuất thay đổi đáp ứng một số các yêu cầu của Mỹ.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi nhiều nước phương Tây ủng hộ những cải cách này. Nhìn từ quan điểm chiến lược thì các nước phương Tây cũng có những nỗi lo về Trung Quốc và các nước đang phát triển như Mỹ. Nhưng muốn cải tổ WTO thì EU, Canada và các nước có cùng quan điểm phải đạt được đồng thuận vì chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ tìm được khá nhiều đồng minh từ các nước đang phát triển để đối phó với vụ này.

Cuối cùng, có vẻ như quy trình giải quyết tranh chấp của WTO sắp tới hồi tạm dừng, nhưng điều đó không có nghĩa trật tự thương mại toàn cầu qua một đêm sẽ sụp đổ. Để tham gia sân chơi WTO, nhiều nước đã phải nhượng bộ thông qua việc giảm các loại thuế, không trợ giá xuất khẩu và những quy định này sẽ vẫn có hiệu lực kể cả khi cơ quan phúc thẩm tranh chấp không còn. Nhưng nếu cơ quan phúc thẩm tranh chấp không còn thì những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc sẽ bắt nạt các nước nhỏ trong lĩnh vực thương mại và điều này sẽ dẫn tới các đề xuất cải tổ trật tự thương mại toàn cầu.

Chính quyền Trump không mặn mà gì với thương mại đa phương cho nên chắc chắn sẽ không nhặt những mảnh vỡ còn lại của tổ chức WTO đang suy yếu. Nhưng dù Mỹ cho rằng WTO không hiệu quả thì điều đó cũng không có nghĩa là Mỹ không bao giờ trở lại với hệ thống thương mại dựa trên luật lệ.

Nói cho cùng chỉ có hệ thống dựa trên các quy định luật pháp chặt chẽ mới có thể giúp Mỹ đương đầu với Trung Quốc. Hiện tại, WTO chưa có đủ những luật lệ mà Washington cần để đối đầu với Bắc kinh và như vậy cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ còn gây sóng gió cho cả thế giới trong những năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục