Chính sách khắc khổ trút gánh nặng lên dân nghèo châu Âu

Việc cắt giảm các khoản phúc lợi xã hội để thực thi chính sách kinh tế khắc khổ đã trút gánh nặng lên người dân nghèo châu Âu.
Chính sách khắc khổ trút gánh nặng lên dân nghèo châu Âu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)

Việc cắt giảm các khoản phúc lợi xã hội để thực thi chính sách kinh tế khắc khổ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế hoành hành tại châu Âu đã trút gánh nặng lên người dân nghèo, làm gia tăng tỷ lệ trẻ em đói nghèo và khiến sức khỏe của người dân gặp nhiều rủi ro.

Đây là cảnh báo của Tổ chức từ thiện Công giáo Caritas trong báo cáo công bố ngày 27/3, qua đó kêu gọi chính phủ các nước thay đổi các chính sách tài chính cũng như các mục tiêu xã hội.

Trong báo cáo được đưa ra sau khi nghiên cứu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở Cyprus, Hy Lạp, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha, Romania và Tây Ban Nha, Caritas đã mô tả "một châu Âu không công bằng" đang đấu tranh với những mức độ nghèo "đáng lo ngại."

Tổ chức từ thiện Công giáo hàng đầu này nhấn mạnh rằng rủi ro xã hội ở châu Âu đang gia tăng trong khi hệ thống phúc lợi xã hội bị cắt giảm, các cá nhân và gia đình phải chịu áp lực căng thẳng.

Ngoài ra, việc cắt giảm các dịch vụ công không cân xứng đã gây ảnh hưởng đến các nhóm lao động thu nhập thấp, còn các vấn đề liên quan chất lượng y tế đã tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân.

Theo ông Jorge Nuno Mayer - Tổng thư ký Caritas, tỷ lệ trẻ em đói nghèo trong Liên minh châu Âu (EU) đã tăng từ dưới 20% lên hơn 22% trong ba năm qua, tại Ireland lên tới hơn 30%. Thậm chí tại Cyprus, quốc gia lâu nay được cho là giàu có, tỷ lệ nghèo ở người già là trên 29%.

Ông Mayer cảnh báo rằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đã không giải quyết được khủng hoảng và không tạo ra đà tăng trưởng, đồng thời các dự án và sự gắn kết xã hội trong EU đang bị đe dọa. Ông cho rằng tại Tây Ban Nha, nền kinh tế nước này có thể mất tới 20 năm để phục hồi về mức trước khủng hoảng.

Trong khi đó, Chủ tịch Caritas tại Bồ Đào Nha, Eugenio Jose da Cruz, dự đoán vào giữa năm 2014, hơn 200.000 người dân nước này có thể sẽ rời khỏi đất nước để tìm kiếm tương lai tốt hơn ở những nơi khác.

Caritas hiện có 164 tổ chức thành viên làm việc tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với các hoạt động cung cấp lương thực và hỗ trợ cho người nghèo, người nhập cư và nạn nhân chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục