Chính sách phải đi vào thực chất chứ không hô hào!

Bội chi ngân sách, nợ công, hiệu quả đầu tư, độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng, lãi suất... đang ở mức dễ bị tổn thương.

Vì vậy, việc điều chỉnh các chỉ số này cho mục tiêu tăng trưởng hay kiềm chế lạm phát sẽ gây nên những tác động trái chiều nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách tiền tệ và tài khóa một cách bài bản và thực chất.
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai yếu tố quan trọng trong hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô và có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cả hai chính sách này phối hợp chưa nhịp nhàng nên dẫn tới nhiều hệ lụy.

Doanh nghiệp "đổ đèo" vì chính sách

Tại cuộc hội thảo khoa học “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô”, do Viện Chiến lược và chính sách Tài chính cùng Viện Chiến lược ngân hàng tổ chức ngày 11/5, các chuyên gia kinh tế cho rằng: chính sách tiền tệ cần linh hoạt hơn, chính sách tài khóa cần kích hoạt được sự vận hành của doanh nghiệp, như “mồi” cho doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Khi lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng đặt bút ký bản quy chế phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ vào cuối tháng 2 vừa qua, nhiều người cho rằng đây là sự kiện mang tính lịch sử trong điều hành kinh tế vĩ mô ở Việt Nam bởi sẽ giúp tránh được tình trạng “tiền tệ một đàng, tài khóa một nẻo", vốn “đạp phanh” lên nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong suốt thời gian qua. Đã có nhiều hy vọng rằng tình hình kinh tế vi mô và vĩ mô sẽ được thay đổi.

Mặc dù đã có sự phối hợp khá hiệu quả, phù hợp với đặc thù ở Việt Nam, đảm bảo khả năng thanh khoản của nền kinh tế nhưng Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận là sự phối hợp của hai chính sách vĩ mô này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa nhịp nhàng. “Lúc chính sách tiền tệ lại quá chặt, tài khóa lại mở rộng quá; có lúc tín dụng mở rất nhanh nhưng tài chính lại mở chậm. Liều lượng và mức độ sử dụng các công cụ từng thời kỳ giai đoạn chưa tạo ra sức mạnh kết hợp tổng thể”- ông Tú nói.

Khảo sát của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia vừa thực hiện trong tháng 4/2012 cho thấy có tới 4/5 khó khăn của các doanh nghiệp được nêu ra đều liên quan đến hỗ trợ tài khóa hoặc chính sách tiền tệ.

Thực tế, các khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải vẫn là vấn đề thanh khoản, tiếp cận vốn, lãi suất cao và hàng tồn kho nhiều. Lạm phát giảm đi nhưng vẫn ở mức cao và sức mua kém; thâm hụt thương mại giảm mạnh, nhưng chủ yếu do sản xuất chậm lại nên không có nhu cầu nhập hàng.

Một số động thái kinh tế quan sát được bằng mắt thường ở thời điểm hiện tại là một số doanh nghiệp đóng cửa, lao động bị thất nghiệp tăng. Một số doanh nghiệp khác thì cầm cố tài sản như nhà xưởng, ôtô cho ngân hàng để lấy lãi ngay trả cho ngân hàng...

Kinh tế vẫn đang tăng trưởng dương nhưng mức tăng đã giảm dần liên tục qua nhiều tháng, cộng với những dấu hiệu nêu trên; kèm theo là những phân tích nhận định tình hình rất khác so với hồi năm 2008-2009, nên có ý kiến cho rằng, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào trạng thái đình trệ. Chính điều này sẽ gây khó khăn trong việc lựa chọn chính sách "nới lỏng" hay "thắt chặt" của tiền tệ và tài khóa cũng như phối hợp giữa hai chính sách này.

Phải thực chất chứ không hô hào

"Hai chính sách này cần có sự linh hoạt và có hỗ trợ mang tính cụ thể hơn cho doanh nghiệp," các địa biểu đều nhấn mạnh như vậy. Chính sách tiền tệ và tài khóa thời gian qua đang làm dấy lên lo ngại về sự phát triển thiếu ổn định kinh tế như nợ công cao và tăng nhanh, đầu tư công kém hiệu quả, cơ chế điều hành chưa hợp lý được xem là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến lạm phát của năm 2011 tăng cao khó kiểm soát. Điều này gây bất ổn không nhỏ tới thị trường tài chính cũng như an toàn của nền tài chính quốc gia.

PGS.TS Tô Kim Ngọc và PGS.TS Lê Thị Tuấn Nghĩa của Học viện Ngân hàng kiến nghị, chính sách tài khóa cần thực hiện quyết liệt hơn, đặc biệt trong vấn đề giảm chi tiêu công. Tránh tình trạng chính sách tài khóa duy trì theo hướng "bảo thủ" trong khi chính sách tiền tệ liên tục đảo chiều ở mức độ cao theo những biến động của nền kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng đề xuất cần có quy định pháp lý về sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như góp phần phát triển kinh tế ổn định.

Phân tích kỹ hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền bày tỏ: Chính sách tài khóa bên cạnh việc giảm thuế theo luật thì cần có bảo lãnh để ngân hàng thấy đủ niềm tin cho doanh nghiệp vay vốn. Quan trọng hơn, phối hợp giữa hai chính sách phải thực chất chứ đừng hô hào.

Giải đáp câu hỏi sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cần làm thế nào trong thời gian tới, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, để giữ ổn định an ninh tài chính cần phải phối hợp đồng đồng bộ. Cụ thể là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ (thời gian, khối lượng, lãi suất…), tránh gây nên sự bất ổn cho thị trường tài chính và nền kinh tế như những năm qua. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh cân đối chi ngân sách nhà nước thường xuyên và chi đầu tư, tinh giản bộ máy hành chính…, góp phần giảm thâm hụt ngân sách và nâng cao tính an toàn cho tài chính quốc gia.

Một số đại biểu khác thì nhận định, trong giai đoạn 2012-2013, những biến động vĩ mô sẽ trở nên phức tạp hơn và không dễ đối phó. Những dấu hiệu kinh tế suy giảm, sức cầu giảm sâu, đặc biệt là cầu đầu tư, nguy cơ lạm phát thường trực bởi chỉ số lòng tin của người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư đối với môi trường vĩ mô và hệ thống tài chính là rất nhỏ. Các chỉ số tài chính như: Bội chi ngân sách, nợ công, hiệu quả đầu tư, độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng, lãi suất... đang ở mức dễ bị tổn thương. Vì vậy, việc điều chỉnh các chỉ số này cho mục tiêu tăng trưởng hay kiềm chế lạm phát sẽ gây nên những tác động trái chiều nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách tiền tệ và tài khóa một cách bài bản và thực chất./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục