Chính sách thực dụng của Mỹ ở Trung Đông, Bắc Phi

Lâu nay giới quan sát nói nhiều tính thực dụng của Mỹ ở Bắc Phi, Trung Đông và những gì đang xảy ra ở khu vực này cho thấy rõ điều đó.
Những diễn biến chính trị bất ổn thời gian gần đây tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đặt ra cho chính giới Mỹ nhu cầu điều chỉnh linh hoạt các chính sách đối ngoại với khu vực này.

Thông qua những quyết định của Washington trong các vấn đề liên quan tới khu vực này, có thể thấy rõ đầu óc thực dụng của các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng nhằm đạt lợi ích quốc gia cao nhất.

Trong nhiều năm, Mỹ có hai cách ứng xử ở Trung Đông. Một mặt tài trợ và ủng hộ các chế độ cầm quyền, mặt khác lại khuyến khích một số quan điểm bất đồng chính trị và lợi dụng vấn đề nhân quyền để chỉ trích những chính phủ mà Washington coi là đối thủ lớn trong khu vực. Lợi ích lâu dài của Mỹ là nhằm thiết lập một nền dân chủ lớn hơn và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Đối với Libya, nước lâu nay không có quan hệ hữu hảo với Mỹ, Nhà Trắng đã nhanh chóng đưa ra quyết định tấn công quân sự mà không cần tham vấn Quốc hội. Biện minh cho hành động này, trong bài phát biểu ngày 29/3, Tổng thống Obama cho rằng những lợi ích và giá trị của Mỹ "đang lâm nguy" và Washington "có trách nhiệm phải hành động."

Tuy nhiên, rút bài học từ sau cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, Mỹ đã giữ cho mình một đường lùi, đó là không can dự quá sâu vào Libya và dành quyền chỉ huy chiến dịch quân sự cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Giới chức Washington đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không triển khai lực lượng trên bộ và sứ mạng của Mỹ chỉ dừng ở các “hoạt động quân sự có giới hạn tại Libya." Đây là cuộc chiến thứ ba của Mỹ tại thế giới Hồi giáo và hệ quả của hai cuộc chiến trước hiện vẫn đang gây nhức nhối trong lòng nước Mỹ.

Thế nhưng, với Bahrain, Arập Xêút, Jordan và Yemen, mặc dù các biện pháp đối phó với làn sóng biểu tình ở những nước này và Libi nhìn chung giống nhau, song sự nhìn nhận và thái độ ứng xử của Mỹ cũng như các nước phương Tây lại có sự khác biệt.

Hiện nay, vấn đề can thiệp quân sự vào những nước này chưa được ai công khai nhắc đến, mặc dù nhiều quan chức chính quyền Mỹ giải thích rằng điều đó một phần do tình trạng bạo lực ở các nước này không có quy mô lớn như ở Libya. Nếu Mỹ cũng dùng hành động quân sự ép lãnh đạo các nước này từ chức, e rằng Washington sẽ không còn đồng minh ở khu vực này.

Bahrain và Yemen vốn là những đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực. Trong khi Bahrain là nơi đặt căn cứ hải quân hạm đội 5 của Mỹ và được Washington coi là một trong những trụ cột để thực hiện chính sách ngăn chặn đối với Iran cũng như duy trì nguồn cung cấp dầu mỏ ổn định, thì Yemen được Washington sử dụng như một "bàn đạp" để thực hiện cuộc chiến chống al-Qaeda trên bán đảo Arập.

Do đó, các nhà phân tích nhận định rằng Washington khó có thể can thiệp quân sự vào hai nước này vì Mỹ có quá nhiều lợi ích ở đó.

Vì vậy, một khi "đẩy" được quyền chỉ huy quân sự cho NATO, Mỹ sẽ "dễ ăn dễ nói " hơn với các nước đồng minh trong khu vực, đồng thời có không gian để thuyết phục lãnh đạo các nước này kiềm chế và nhượng bộ, thậm chí từ chức, vì một bầu không khí chính trị ổn định. Đây là cách làm đã được Mỹ thực hiện thành công đối với Ai Cập và Tunisia.

Trong khi đó, với Syria, Mỹ đóng vai trò như một quan sát viên. Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton thẳng thừng tuyên bố Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào Syria theo cách mà liên quân đã thực hiện tại Libya. Tuyên bố này một lần nữa thể hiện tính thực dụng của giới chức Mỹ trong cách xử lý các vấn đề giống nhau ở từng nước khác nhau.

Rõ ràng, Washington có lý do riêng để thận trọng hơn trong cách hành xử với Damascus.

Lý do dễ hiểu nhất là nước Mỹ đang "ôm đồm" quá nhiều việc như chiến dịch “Bình minh Odyssey” tại Libya, cuộc chiến dang dở tại chiến trường Nam Á, các nỗ lực của chính quyền nhằm vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới.

"Ôm đồm" quá nhiều việc trong cùng một thời điểm sẽ khiến nguồn lực của nước Mỹ bị dàn trải, bội chi ngân sách, đồng nghĩa với khoảng cách thâm hụt thêm nới rộng, và đi kèm với đó là sự hoài nghi, mệt mỏi của người dân.

Tuy nhiên, lý do khác lớn hơn nhiều đó là Mỹ hầu như không có lợi ích cũng như ảnh hưởng gì tại Syria, nếu không muốn nói Mỹ sẽ rơi vào thế khó nếu can dự vào nước này.

Là đồng minh của Iran, Syria lâu nay duy trì mối quan hệ không thuận hòa với Mỹ thể hiện qua việc ủng hộ các nhóm vũ trang tại Palestine chống Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, can thiệp vào tình hình tại Lebanon và cho phép các phần tử chống Mỹ "quá giang" để vào Iraq.

Ông Michael Barnett - chuyên gia về can thiệp chính trị quốc tế và nhân đạo của trường Đại học Tổng hợp George Washington, cho rằng quan hệ với Hamas và Hezbollah là một trong những mối quan hệ đối tác chiến lược của chính quyền Syria. Do Hezbollah là lực lượng được huấn luyện bài bản và trang bị mạnh, nên việc Mỹ tiến hành một hành động can thiệp quân sự vào Syria có thể gây ra một cuộc chiến tranh khu vực. Vì thế, nếu lựa chọn gây hấn với Damascus, Washington sẽ tự chuốc nhiều rắc rối cho mình khi "cho tay vào tổ kiến lửa."

Lâu nay giới quan sát nói nhiều về tính thực dụng trong các chính sách đối ngoại của Mỹ và những gì đang diễn ra đã cho thấy sự linh hoạt trong những toan tính của Nhà Trắng./.

Hồ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục