"Chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền"

Trả lời chất vấn tại QH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền.
Ngày 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Các ý kiến chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tập trung vào 3 vấn đề: Hỗ trợ lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Đánh giá về hiệu quả triển khai cơ chế lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhận định đây là một trong những giải pháp kích thích kinh tế tối ưu được lựa chọn với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có hiệu quả tác động tích cực, đạt được mục tiêu là giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng bộc lộ một số mặt chưa tích cực.

Về công tác quản lý nhà nước về thị trường ngoại hối, ngay từ đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ các giải pháp ổn định thị trường. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng nguồn cung và ổn định thị trường ngoại tệ.

Việc điều hành lãi suất là phù hợp với chủ trương của Chính phủ với mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế, đồng thời ngăn chặn tái lạm phát cao trở lại.

Kết quả cụ thể là lãi suất thị trường diễn biến hợp lý và tương đối ổn định. Tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng ngăn chặn suy giảm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; CPI 10 tháng đầu năm 2009 tăng 4,49%.

Giảm thủ tục để nông dân vay vốn nhanh

Xung quanh vấn đề cho vay hỗ trợ lãi suất đối với nông dân, nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết chủ trương này nhằm mục tiêu kép, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là cơ khí hóa nông thôn, vừa thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã xuất hiện một số vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất chỉnh sửa.

Đề cập đến trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng trong việc quản lý thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái cung cầu ngoại tệ, hạn mức tăng trưởng tín dụng, biến động giá vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền. Mục tiêu mà ngành đeo đuổi là ổn định giá trị đồng tiền, muốn đạt được điều này phải xem các yếu tố khác, đặc biệt phải dựa trên cơ cấu và hiệu quả của nền kinh tế của Việt Nam.

Về biến động giá vàng và phản ứng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định cho nhập khẩu vàng, quyết định đưa ra tại thời điểm đó là kịp thời, đây là kinh nghiệm trong quản lý kinh tế thị trường. Những biểu hiện trên thị trường vừa qua không phải mất cân đối cung cầu.

So sánh số liệu vàng xuất khẩu và nhập khẩu thì số xuất rất thấp, từ năm 2005-2008, Việt Nam nhập 279 tấn trong khi mới cho xuất vàng từ cuối năm 2008 và kim ngạch xuất mới là 37 tấn. Đầu năm 2009, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc có đã xuất sản phẩm đã chế biến khoảng 57 tấn, như vậy lượng vàng trong dân còn rất lớn. Sau khi họp bàn với các chuyên gia, Tổng giám đốc 5 Ngân hàng thương mại và các Hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định công bố cho nhập vàng. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp quota cho các doanh nghiệp nhập vàng nhưng số lượng nhập cũng chỉ vài tấn.

Chính sách, quyết sách của Chính phủ đúng đắn

Làm rõ hơn chính sách thắt chặt tiền tệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu rõ, kiểm điểm tình hình năm 2007, năm 2008 và của năm 2009, có thể khẳng định chính sách thắt chặt tài chính, tiền tệ cuối năm 2007 đầu năm 2008 và các chính sách hiện nay đúng đắn.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, chỉ số lạm phát, chỉ số giá năm 2007 là 17%, quý 1/2008, tăng trưởng đột biến lên 10%, đến tháng 4/2008, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và ngoài nước dự báo rằng trong tháng 6-7/2008, chỉ số giá của Việt Nam sẽ tăng trên mức 20%, có người dự báo cả năm tăng trên 30% . Lúc đó, Việt Nam đưa ra chính sách kịp thời là kiềm chế lạm phát, việc thắt chặt tín dụng là đương nhiên.

Đề cập đến hiệu quả của gói kích cầu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu rõ, gói kích cầu 8 tỷ USD, có 4 nội dung là: Hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, tăng vốn đầu tư, hỗ trợ an sinh xã hội. Tất cả giải pháp đồng bộ của gói kích cầu đảm bảo Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý trong năm 2009. Xét từng thời điểm, tăng trưởng quý I/2009 tăng ở mức 3,14 %, quý II tốc độ tăng trưởng đạt 4,46%, quý III là 5,76% , quý IV dự kiến tăng trưởng ở mức trên 6,8%. Với mức tăng trưởng đó, dự kiến cả năm đạt khoảng 5,2%.  Điều đó khẳng định hiệu quả của gói kích cầu.

Về việc thực hiện theo Quyết định 497 của Chính phủ (hỗ trợ lãi suất vốn vay mua mua máy móc thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn) chỉ được 700 tỷ đồng, một con số rất thấp. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, đối tượng và mục đích cho vay theo Quyết định 497 là hoàn toàn đúng đắn, cho vay hỗ trợ các đối tượng sản xuất trong nước, kích cầu trong nước. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể chi tiết làm chưa đến nơi, đến chốn, quy định, thủ tục cụ thể còn phiền hà. Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ quyết định tiếp tục kéo dài cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497 đảm bảo hỗ hợ đối tượng sản xuất trong nước, hỗ trợ người nông dân trong việc trang bị máy móc thiết bị ...

Hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn dài hạn

Làm rõ hơn vấn đề hỗ trợ tín dụng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, vấn đề hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là ưu tiên trong soạn thảo cơ chế chính sách cũng như tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ đối với gói kích cầu vừa qua. Quyết định 497 là một trong nhiều giải pháp kích cầu hướng vào hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bên cạnh, việc hỗ trợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497 còn có chương trình cho vay lớn hơn như chương trình cho vay theo Quyết định 443 và Quyết định 579( hỗ trợ lãi suất với các khoản vay tại ngân hàng chính sách xã hội).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Quyết định 497 triển khai muộn hơn so với các quyết định khác, bây giờ mới bắt đầu đi vào cuộc sống, Chính phủ có chủ chương kéo dài thực hiện đến hết năm 2010, giao cho các Bộ phối hợp điều chỉnh lại cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân. Đây chỉ là giải pháp trước mắt. Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ soạn thảo nghị định để triển khai dài hạn hơn, đồng bộ hơn chủ trương hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước có giải pháp ổn định thị trường ngoại tệ

Cuối phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận nêu rõ vấn đề tiền tệ, tín dụng, ngân hàng là điểm nhấn của kỳ họp này.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã nêu 4 vấn đề lớn đề nghị Thống đốc Ngân hàng lưu ý trong công tác quản lý điều hành thời gian tới.

Xung quanh việc hỗ trợ lãi suất, vừa qua dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân đã nỗ lực thực hiện các chủ trương này. Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc hỗ trợ lãi suất là phù hợp và có tác dụng tích cực góp phần làm gói kích cầu đạt hiệu quả nhất định trên bình diện vĩ mô.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần sớm nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và ý kiến các nhà khoa học để đánh giá đúng mức những mặt được và chưa được, phân tích nguyên nhân và kịp thời có những giải pháp trong đó sớm ban hành văn bản sửa đổi các quy định không còn phù hợp liên quan đến thủ tục, điều kiện được vay vốn của nông dân, của doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Về quản lý thị trường ngoại tệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp ổn định tỷ giá ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng trong nước, tránh làm ảnh hướng tới mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô; điều hành tỷ giá hối đoán phải gắn điều hành tỷ giá ngoại hối với yêu cầu giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý nợ, giảm tối đa nợ xấu, nâng tỷ lệ dữ trự bắt buộc phù hợp với điều kiện cụ thể; có biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng; xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để từng bước có biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Thống đốc phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành hữu quan giúp Chính phủ kết hợp tốt giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, chủ động ngăn ngừa lạm phát cao quay trở lại, góp phần tăng trưởng hợp lý những mục tiêu đề ra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát nội bộ ngay trong hệ thống ngân hàng, kịp thời chấn chỉnh các lệch lạc, đề phòng các tiêu cực, rủi ro, đảm bảo an toàn của của hệ thống tài chính tiền tệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục