Chính thức công nhận khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai chính thức trở thành khu dự trữ thứ 580 của thế giới và là 1/8 khu dự trữ sinh quyển thế giới của VN.
Tối 19/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp với Tổ chức Giáo dục-Khoa học- Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tổ chức lễ công bố quyết định công nhận "Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai là khu dự trữ sinh quyển thế giới."

Như vậy, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã chính thức trở thành khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và là 1/8 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai có diện tích 966.563ha, nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương và Đắk Nông, gồm ba vùng là vùng lõi có diện tích 169.072ha; vùng đệm có diện tích 349.995ha và vùng chuyển tiếp có diện tích 447.496ha.

Sự kiện Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai gia nhập vào mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới có ý nghĩa rất lớn về phương diện khoa học cũng như tính nhân văn sâu sắc, là sự công nhận những thành quả về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.

Khu dự trữ sinh quyển sẽ là “phòng thí nghiệm sống” về nghiên cứu khoa học và tư duy mới về bảo tồn và phát triển, sẽ là diễn đàn để chia sẻ trách nhiệm về bảo vệ môi trường, là trường học về quản lý bền vững và là nguồn cảm hứng học tập về thiên nhiên.

Đặc trưng cơ bản của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã cho thấy nơi đây là một môi trường thiên nhiên quý hiếm và vô cùng giá trị.

Trong đó, đáng chú ý là vùng sinh cảnh đa dạng, phong phú với hầu hết các loại rừng trong khu vực được hình thành từ kiểu rừng trên đất thấp ven sông đến rừng trên núi, cùng các hệ sinh thái đa dạng, phong phú với 1.401 loài thực vật, thuộc 623 chi, 156 họ, 92 bộ, 10 lớp, 6 ngành thực vật khác nhau; là môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát và cá... Trong đó, động vật rừng có 1.781 loài thuộc 211 họ, 51 bộ.

Đặc biệt, với Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, nơi được xem là mái nhà chung của trên 1.400 loài thực vật, gần 2.000 loài động vật quý hiếm cùng nhiều di tích lịch sử có giá trị, công tác bảo tồn lại đặc biệt coi trọng./.

Lê Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục