Kinh tế thiếu lực đẩy

Chính trị bế tắc, nền kinh tế của Italy thiếu lực đẩy

Kết quả bầu cử được công bố làm dấy lên quan ngại về khả năng cuộc khủng hoảng nợ công ở Italy và châu Âu sẽ trầm trọng hơn.
Ngày 26/2, Bộ Nội vụ Italy công bố kết quả sơ bộ của tổng tuyển cử ở nước này, theo đó không đảng nào giành được quyền kiểm soát ở hai viện của Quốc hội.

Với kết quả này, “đất nước hình chiếc ủng” đang đứng trước nguy cơ rơi vào một giai đoạn bất ổn, bế tắc chính trị kéo dài.

Điều này đã làm dấy lên quan ngại về khả năng cuộc khủng hoảng nợ công ở Italy nói riêng và châu Âu nói chung sẽ trầm trọng hơn.

[Chính trường Italy đối mặt tình trạng bế tắc chính trị]

Không đơn thuần chỉ là chính trị

Cuộc bầu cử này được tổ chức sớm hơn dự kiến sau khi Đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi vào cuối năm ngoái rút lại sự ủng hộ dành cho Chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Monti, buộc ông này phải từ chức vào đầu tháng 1/2013.

Cuộc bầu cử này không chỉ quan trọng đối với Italy mà còn đối với cả châu Âu bởi lẽ nó sẽ quyết định số phận của chính sách “thắt lưng buộc bụng” cũng như tiến trình cải cách kinh tế do Thủ tướng Monti khởi xướng và được nhiều nhà lãnh đạo thế giới trên như Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ, và do vậy gián tiếp tác động tới tương lai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Vào thời điểm Thủ tướng Monti nhậm chức tháng 11/2011, Italy đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự khi tỷ lệ nợ công/GDP của nước này tăng tới 120,1, cao thứ hai sau Hy Lạp – điểm khởi đầu của cơn bão nợ công.

Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Monti đã đáp ứng được sự mong mỏi của những người ủng hộ trong giới tài chính châu Âu khi áp dụng các chính sách chi tiêu khắc khổ và tăng thuế để giảm tỷ lệ nợ công đang đứng ở mức cao của nước này.

Các chính sách này đã giúp đưa tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP của Italy từ 3,9% trong năm 2011 về mức giới hạn cho phép của Liên minh châu Âu (EU) là dưới 3% vào năm ngoái. Trong 15 tháng dưới thời chính quyền Monti, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy đã giảm hơn 200 điểm cơ sở.

Tuy nhiên, các chính sách khắc khổ được áp dụng dưới thời Thủ tướng Monti đã đẩy nền kinh tế Italy rơi vào đợt suy thoái dài nhất trong vòng 20 năm. Năm 2012, Italy đạt tốc độ tăng trưởng âm 2,2%.

Chính phủ Italy dự báo nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy giảm 0,2% trong năm 2013 và sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2014, với nhịp độ 1,1%. Do kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói đã tăng mạnh. Trong tháng 12/2012, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng 0,1 điểm phần trăm lên mức cao kỷ lục 11,2%. Điều này khiến nhiều người ở Italy quay lưng với các chính sách khắc khổ của chính quyền Monti.

Mặc dù vậy, với những kết quả đã đạt được trong hơn một năm dưới chính quyền Monti, giới hoạch định chính sách ở châu Âu vẫn đặt niềm tin vào Chính phủ này. Nhiều người lo ngại sự ra đi của Thủ tướng Monti sẽ khiến Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong số 17 quốc gia sử dụng đồng euro và là một trong những sáng lập viên của Eurozone, đi chệch khỏi quỹ đạo cải cách hiện nay và làm trầm trọng thêm “căn bệnh nợ công” vẫn đang ám ảnh châu lục.

Bên cạnh đó, người ta cũng lo ngại việc đạt được đồng thuận trong EU có thể sẽ trở nên khó khăn hơn nếu thiếu ông Monti, người đã vượt qua sự phản đối của Đức tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6/2012 để giúp EU đạt được đồng thuận trong vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp khó khăn.

Về phần mình, giới đầu tư hy vọng liên minh trung tả do Chủ tịch Đảng Dân chủ (PD) Pier Luighi Bersani lãnh đạo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi, vì mặc dù ông Bersani phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” nhưng chính trị gia này không chống lại tất cả các nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong khi đó, Đức và EU hy vọng phe trung tả chiến thắng và thành lập chính phủ liên minh với các đảng nhỏ do Thủ tướng tạm quyền Monti lãnh đạo để chính phủ mới tiếp tục theo đuổi một số chương trình cải cách.

Tương lai bất định

Kết quả sơ bộ đã được công bố cho thấy không một đảng nào "làm chủ" được Hạ viện hay Thượng viện , như vậy Italy lại rơi vào tình trạng bế tắc chính trị.

Liên minh trung tả của ông Bersani dẫn đầu ở Hạ nghị viện có thể sẽ tìm cách thành lập liên minh để có được thế kiểm soát hai viện của Quốc hội, vì theo Hiến pháp Italy, phải nắm được đa số ở cả Hạ và Nghị viện thì mới được đứng ra thành lập Chính phủ.

Tuy nhiên, khả năng thành lập đại liên minh giữa phe trung tả của ông Bersani (29.54 % số phiếu ở Hạ nghị viện) và phe trung hữu của cựu Thủ tướng Berlusconi (29.18) là rất thấp cho dù tỷ phú Berlusconi đã tuyên bố để ngỏ khả năng thành lập chính phủ liên minh với liên minh trung tả. Ông Matteo Orfini, một thành viên trong Ban Thư ký PD, nói: “Ý tưởng về chính phủ liên minh giữa PD và PDL, cho dù được Thủ tướng tạm quyền Monti ủng hộ, cũng không có ý nghĩa gì cả.”

Trong khi đó, khả năng thành lập liên minh giữa phe trung tả và đảng Phong trào Năm Ngôi sao (M5S) - đảng giành được 25.5% số phiếu tại Hạ nghị viện - là cao hơn, nhưng do danh hài Beppe Grillo - người đứng đầu M5S, đã từng bác bỏ khả năng Phong trào này tham gia bất cứ liên minh chính thức nào, nên kịch bản này cũng khó xảy ra. Ông Grillo nói: “Đây không phải là thời điểm để nói về các liên minh… Hệ thống này đã sụp đổ”.

Theo Hiến pháp Italy, Quốc hội khoá mới sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên trong vòng 20 ngày sau cuộc tuyển cử và ngay sau đó, Tổng thống Italy bắt đầu gặp gỡ, thảo luận với các chính đảng, liên minh về việc thành lập Chính phủ mới.

Với kết quả bầu cử lần này, Quốc hội Italy có thể sẽ là một "Quốc hội treo," không thể hoạt động được hiệu quả. Do đó, các nhà phân tích cũng đã nêu ra nhiều kịch bản, kể cả việc phải tổ chức bầu cử lại, nhưng muốn làm được như vậy thì Quốc hội mới sẽ phải thông qua việc sửa đổi, bổ sung... Luật Bầu cử.

Các chuyên gia kinh tế Norbert Aul và James Ashley của tổ chức RBC Capital Markets nhận định, trong một Quốc hội bị chia rẽ như hiện nay, bất cứ chính sách nào cũng sẽ là kết quả của các cuộc dàn xếp và thỏa thuận hậu trường liên miên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc “niềm tin của nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và tương lai chính trị của Italy vẫn không rõ ràng.”

Trong bối cảnh đó, Giáo sư James Walston thuộc Đại học Tổng hợp Mỹ tại Rome dự báo Italy sẽ rơi vào tình trạng rối loạn chính trị và một cuộc tổng tuyển cử mới có thể sẽ được tổ chức ngay trong mùa Xuân này sau khi Quốc hội mới chọn ra một tổng thống mới và đến lượt vị tổng thống mới có thể sẽ buộc phải giải tán Quốc hội.

Trong trường hợp cử tri Italy phải bỏ phiếu lại, nhà nghiên cứu Vincenzo Scarpetta của tổ chức Open Europe cho rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc “áp lực thị trường sẽ lớn đến nỗi Italy hầu như không thể chịu đựng.” Áp lực này có thể sẽ tồn tại dưới hình thức lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ tăng. Do vậy, cả ông Bersani và tỷ phú Berlusconi đều khẳng định rằng họ muốn tránh kịch bản này nếu có thể.

Italy sẽ theo đuổi chính sách nào?

Bình luận về kết quả bầu cử ở Italy, hãng định mức tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's cho rằng các lựa chọn chính sách của chính phủ sắp tới ở Italy sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng để xác định mức độ tín nhiệm của quốc gia này. S&P cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một liên minh cầm quyền ủng hộ các cuộc cải cách mới.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc bầu cử, nhà lãnh đạo phe trung tả Bersani khẳng định cuộc bầu cử này cho thấy rằng chỉ các chính sách “thắt lưng buộc bụng” thôi là chưa đủ cho tiến trình khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Ông nói: “Lời cảnh báo này cũng áp dụng cho cả châu Âu.”

Tuyên bố trên của ông Bersani cho thấy ông không tin tưởng vào chính sách “thắt lưng buộc bụng” hiện nay mà Đức và EU đang theo đuổi. Chính trị gia này cho rằng cần phải điều chỉnh chính sách để thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm cho dù vẫn cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách và tiếp tục các cuộc cải cách mà Thủ tướng Monti khởi xướng.

Ông Bersani cho biết ông sẽ đệ trình một số lượng hạn chế các đề xuất cải cách lên Quốc hội, với trọng tâm là tạo việc làm, cải cách thể chế và chính sách châu Âu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, cho dù chính phủ liên minh nào được thành lập ở Italy, tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài có thể sẽ vẫn tiếp tục ở nước này bởi vì Chính phủ mới sẽ không đủ mạnh để theo đuổi các cuộc cải cách khắc nghiệt để tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế lớn thứ ba ở Eurozone này./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục