Kỹ trị thay chính trị

Chính trường châu Âu: Kỹ trị thay chính trị gia

Tân Thủ tướng Italy Mario Monti, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos và Chủ tịch mới của ECB Mario Draghi đều là những nhà kỹ trị.

Khi những chính trị gia bất lực trong việc tìm được lời giải cho bài toán nợ công ở châu Âu, cờ được trao vào tay những nhà kỹ trị.

Quyền lực Goldman Sachs

Đâu là điểm chung giữa tân Thủ tướng Italy, Mario Monti, nhà lãnh đạo chính phủ mới của Hy Lạp, Lucas Papademos và Mario Draghi, vị Chủ tịch mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)?

Câu trả lời: Họ đều từng là những nhân vật có mối liên hệ với tập đoàn tài chính hùng mạnh đến từ nước Mỹ, Goldman Sachs.

Ông Mario Draghi từng là Phó Chủ tịch Goldman Sachs khu vực châu Âu từ năm 2002 đến 2005, nổi tiếng với các sản phẩm tài chính “swap” giúp các quốc gia che đậy các khoản nợ. Ông Mario Monti là tư vấn viên quốc tế của Golman Sachs từ năm 2005 còn ông Papademos, tuy không trực tiếp là người của Goldman Sachs nhưng cũng từng bắt tay với Goldman Sachs trong việc làm đẹp hồ sơ để Hy Lạp gia nhập Eurozone trong thời gian ông làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp từ năm 1994 đến 2002.

[Chân dung Thủ tướng tạm quyền Italy Mario Monty]

Goldman Sachs đang là cái tên mà cả châu Âu buộc phải nhắc tới, theo chiều hướng ngày càng có nhiều lời rên rỉ rằng Lục địa già đang bị bàn tay quyền lực của “cá mập tài chính” bên kia bờ Đại Tây Dương thâu tóm.

Trước những ông Monti, Papademos, Draghi, quyền lực tài chính ở châu Âu thực tế cũng nằm trong tay rất nhiều nhà kỹ trị khác đến từ Goldman Sachs: Otmar Issing, cựu Chủ tịch Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức); Jim O’Neill, cha đẻ của khái niệm BRICS (những nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi); Peter Sutherland, cựu Chủ tịch Goldman Sachs quốc tế, người đóng vai trò then chốt trong vụ giải cứu Ireland. Và cuối cùng, Tổng giám đốc Ủy ban tổ chức Olympic London 2012 – Paul Deighton, cũng từng là người 22 năm làm việc cho Goldman Sachs.

Sẽ không có gì phải quá đắn đo về Goldman Sachs ở đây nếu không có một thực tế cay đắng, rằng Goldman Sachs bị quy kết là một trong những thủ phạm chính gây nên cuộc khủng hoảng tồi tệ hiện nay ở châu Âu, thông qua việc “phù phép” những khoản nợ để giúp một vài quốc gia đạt được chuẩn ngân sách theo hiệp ước Maastricht và gia nhập Eurozone.

Những trò “phù phép” đó khiến Eurozone mất đi khả năng nhận thức về mức độ trầm trọng của khủng hoảng khi nó xảy ra để rồi mất quyền kiểm soát.

Lựa chọn bắt buộc

Đó là quá khứ, hiện tại là một câu chuyện khác.

Trong bối cảnh bất lực trước mức độ khủng hoảng gia tăng, châu Âu bắt buộc phải thử mọi cách và lựa chọn trực tiếp những nhà kỹ trị lên nắm quyền thay những chính trị gia là một phương án.

Thay đổi bao giờ cũng tạo ra hiệu ứng và ít nhất thì việc thay đổi chính phủ ở Hy Lạp và Italy cũng phần nào trấn an được thị trường rằng những nền kinh tế đang bên bờ sụp đổ này giờ đây đang được chỉ đạo bởi những chuyên gia kinh tế lão luyện.

Niềm tin là thứ còn lại ít nhất trong các nền kinh tế Eurozone nên niềm tin cũng sẽ là thứ phải cứu đầu tiên. Trước mắt thì việc các ông Mario Monti và Lucas Papademos lên nắm quyền cũng giúp cho tình hình không trở nên tồi tệ hơn, thể hiện qua các chỉ số trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Milan, Paris, Frankfurt...

[Tân Thủ tướng Hy Lạp nỗ lực giải quyết khó khăn]

Nhưng liệu nó có tốt hơn hay không thì không ai dám chắc vì việc đưa các nhà kỹ trị lên nắm quyền cũng giống như việc triệu tập gấp một kỹ sư giỏi đến sửa một cái máy bay đang hỏng.

Nhưng một nền kinh tế thì chắc chắn không giống một cái máy bay.

Vẫn cần chính trị gia

Những nhà kỹ trị là những chuyên gia trong lĩnh vực của họ nhưng lại ít khi là một chính trị gia giỏi, người có thể không giỏi bất cứ lĩnh vực nào nhưng lại có thể nắm được toàn cục.

Cuộc khủng hoảng ở châu Âu hiện nay đã vượt ra ngoài tầm của một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nó còn là một cuộc khủng hoảng chính trị khi các thiết chế của Liên minh châu Âu (EU) hầu như bị tê liệt, các quyết sách vấp phải rào cản “đồng thuận” trước khi được thực thi và sự bất mãn của các thành viên khác với sự “độc đoán” của Paris/Berlin ngày càng gia tăng.

Cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou (trái) và người kế nhiệm Lucas Papademos tại Athens, ngày 11/11. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Và khi các nhà kỹ trị lên nắm quyền mà không thông qua bầu cử thì châu Âu cũng bắt đầu đặt chân vào một cuộc khủng hoảng dân chủ. Cựu Thủ tướng Hy Lạp, George Papandreou có thể bị trách cứ vì đã xử lý cuộc khủng hoảng một cách kém cỏi nhưng chắc chắn có không ít người Hy Lạp vẫn hoan nghênh ông vì ý tưởng trưng cầu dân ý.

Ít nhất thì đó cũng là biểu hiện của giá trị dân chủ châu Âu khi người dân được hỏi ý kiến về một sự kiện có thể là bi đát nhất trong cuộc đời họ.

Để vượt qua tất cả những lớp xoáy khủng hoảng đó, châu Âu vẫn cần những nhà chính trị tài giỏi có đủ uy tín tạo lập sự đồng lòng giữa các đảng phái đối lập và thuyết phục được người dân chấp nhận hy sinh để cùng vượt qua gian khó.

Tất nhiên, những nhà kỹ trị như ông Mario Monti, Papademos… sẽ có thời gian để chứng tỏ khả năng xoay chuyển của mình dù lịch sử chính trị của chính Italy và Hy Lạp không ghi nhận nhiều thành công từ những người như họ, như thời gian tại vị ngắn ngủi (1993-1994) của Thủ tướng Carlo Ciampi, nguyên là Thống đốc Ngân hàng TƯ Italy hay của ông Xenophon Zolotas, một nhà kinh tế và từng là Thủ tướng Hy Lạp trong 2 năm 1989 và 1990.

Những nhà kỹ trị luôn chỉ là những con người của tình thế và trước mắt thì châu Âu đang cần họ./.

 
 Kỹ trị là gì?

Khái niệm kỹ trị, tiếng Anh là Technocrat, có nguồn gốc ở từ "tekhne" trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "khéo léo" hay "nghệ thuật." Chính vì thế, ngoài việc để chỉ một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, nó còn bao hàm cả ý nghĩa khéo léo, nghệ thuật trong đó. Một chuyên gia kinh tế thường được gọi là một nhà kỹ trị hơn là một chuyên gia robot.

Khác với các chính trị gia, các nhà kỹ trị đưa ra quyết định dựa trên các thông tin chính xác chứ ít khi dựa trên ý kiến dư luận. Đó là lí do vì sao các nhà kỹ trị thường được dùng trong các thời điểm khó khăn, khủng hoảng. Trong cuộc Đại suy thoái kinh tế Mỹ thập kỷ 30 của thế kỷ trước, các nhà kỹ trị như Thorstein Veblen hay Howard Scott… là những người rất nổi danh dù sau đó nhanh chóng biến mất trên chính trường.


Kỹ trị còn là một cách thức quản lý dựa vào các một nhóm chuyên gia và theo nhà sử học Walter A McDougall, Liên Xô thời kỳ đầu chính là một nhà nước kỹ trị đầu tiên trên thế giới, thể hiện ở việc Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô luôn là tập hợp của rất nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau.
Quang Nguyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục