Chính trường nước Anh bước vào giai đoạn cực kỳ nguy hiểm

Việc bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận cho thấy đa số nghị sỹ vẫn không thể chấp nhận sự thỏa hiệp vốn có trong quyết định rời EU. Quốc hội không thể quyết định và Thủ tướng thì đã ngả hết quân bài.
Chính trường nước Anh bước vào giai đoạn cực kỳ nguy hiểm ảnh 1Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội Anh về Brexit ở London ngày 12/3/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng edition.cnn.com/Bloomberg.com, Theresa May thức dậy vào sáng 13/3 với hy vọng giành lại được thứ mà bà đã mất tối qua: giọng nói của bà.

Giọng nói bị khản tiếng của bà trước Quốc hội khi bà chỉ trích các nhà lập pháp sau một thất bại nhục nhã khác đã cho thấy sức ép cá nhân lớn mà nữ Thủ tướng Anh phải chịu liên quan đến Brexit.

Một giấc ngủ ngon có thể đã làm dịu thanh quản của Thủ tướng, nhưng nó sẽ không giúp lấy lại sự ủng hộ của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit của bà - điều có thể bị mất hoàn toàn.

Kết quả bỏ phiếu, một thất bại với mức chênh lệch là 149 phiếu (391 phiếu chống và 242 phiếu thuận), sẽ gần như là không thể đảo ngược.

Với 16 ngày còn lại trước khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), "tàu lượn siêu tốc" Brexit một lần nữa chao đảo khi các nhà lập pháp chuẩn bị bỏ phiếu về một kiến nghị để ngăn chặn kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Một cuộc bỏ phiếu vô nghĩa?

Trong một cuộc bỏ phiếu tương tự hồi tháng trước, Hạ viện đã báo hiệu họ phản đối Brexit không có thỏa thuận.

Tuy nhiên, lần này, tình hình phức tạp hơn: Đối mặt với nguy cơ đảng Bảo thủ của bà bị chia rẽ làm hai phe, Thủ tướng May đã đồng ý bỏ phiếu tự do về kiến nghị ngăn chặn kịch bản Brexit không có thỏa thuận - có nghĩa là các nhà lập pháp của đảng không bắt buộc phải tuân theo lập trường của chính phủ.

Nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ đã ủng hộ một Brexit không có thỏa thuận - bởi vì nó sẽ mang lại một kịch bản Brexit cứng rắn nhất, với việc không có mối quan hệ nào với EU sau ngày 29/3.

Nhóm này có thể đã mở rộng sau thất bại tối 12/3 của các kế hoạch của bà May. Hiện họ đang lo sợ rằng trừ khi họ bỏ phiếu tán thành việc không có thỏa thuận, bản thân Brexit có thể bị trì hoãn thực thi thời hạn chót hoặc bị hủy bỏ hoàn toàn.

Đối với các doanh nghiệp, các nhà lập pháp và các quan chức chính phủ - những người lo ngại một Brexit không có thỏa thuận sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh và dẫn đến tình trạng dự trữ thực phẩm và thuốc cũng như những dòng người xếp hàng dài ở biên giới, triển vọng Quốc hội tích cực bỏ phiếu cho kịch bản này quả thực rất đáng lo ngại.

Không ngạc nhiên nếu Thủ tướng bỏ phiếu chống một Brexit không có thỏa thuận. Tuy nhiên, bất kể kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm 13/3 ra sao, nước Anh vẫn hướng tới một kịch bản không có thỏa thuận - bởi vì đó là vị trí ngầm định, trừ khi có một thỏa thuận có thể được cả Brussels và Quốc hội Anh chấp thuận.

Theo một nghĩa nào đó, sau cuộc bỏ phiếu được gọi là có ý nghĩa đêm 12/3, thì cuộc bỏ phiếu ngày 13/3 là vô nghĩa.

Trì hoãn Brexit

Cách duy nhất mà các nhà lập pháp giờ đây có thể ngăn chặn một kịch bản không có thỏa thuận là trong trường hợp một hoặc 3 điều sau xảy ra: kế hoạch của bà May có thể được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu khác, cho một kế hoạch rời khỏi EU khác được đa số các nghị sỹ ủng hộ hoặc để Quốc hội thông qua một kiến nghị trì hoãn Brexit.

[Chính phủ Anh: Có thể không đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu lần 3]

Lựa chọn đầu tiên trong số các kịch bản này sẽ liên quan đến một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa khác - sau một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 1 vừa qua, khi đó các kế hoạch của bà May đã bị thất bại bởi đa số 230 phiếu phản đối, và cuộc bỏ phiếu đêm 12/3 về phiên bản điều chỉnh của thỏa thuận Brexit ban đầu của bà, trong đó có bổ sung điều khoản về "chốt chặn cuối" tại biên giới Ireland.

Mặc dù rất ít khả năng, có thể Thủ tướng sẽ đợi đến sát thời hạn chót, khi các nghị sỹ sắp hết các lựa chọn thay thế, để trình bày kế hoạch của mình lần thứ ba.

Tuy nhiên, dựa vào sự mong muốn của các nhà lập pháp ủng hộ Brexit không có thỏa thuận, điều này rất khó xảy ra.

Và với việc chiến lược của bà May theo đó trình thỏa thuận lên Quốc hội kèm theo một tối hậu thư - về thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận - đã thực sự thất bại, chiến thuật tiếp tục câu giờ này sẽ khiến những nghị sỹ vốn đã nghĩ rằng bà nên từ chức thủ tướng tức giận.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cả một thỏa thuận mới và kịch bản trì hoãn Brexit sẽ cần sự chấp thuận từ Brussels để họ thay đổi tiến trình Brexit.

Tuần tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trước ngày nước Anh rời khỏi EU - vì vậy các nhà lập pháp Anh sẽ cần phải thống nhất lập trường trước hội nghị này.

Vẫn có những động thái đang được tiến hành để vận động một cuộc trưng cầu dân ý lần hai, có thể mở đường cho Brexit bị hủy bỏ hoàn toàn.

Nhưng hiện nay cũng có các nghị sỹ bảo thủ công khai thảo luận về sự ra đi của bà May sau thất bại của thỏa thuận Brexit. Bà sẽ cần phải có tiếng nói mạnh mẽ cho những ngày sắp tới.

Thỏa thuận Brexit của bà May đã chết. Giờ thì sao?

Kết quả bỏ phiếu đêm 12/3 khiến cho việc kéo dài các cuộc đàm phán gần như là không thể tránh khỏi, đặt câu hỏi về tương lai của bà May với tư cách thủ tướng và làm tăng khả năng Brexit sẽ cần được quyết định, bằng cách này hay cách khác, bởi công chúng.

Hiện sẽ có thêm hai cuộc bỏ phiếu nữa: Các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu trong ngày 13/3 về việc có nên rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. Nếu điều đó cũng bị bác bỏ, như dự đoán, họ sẽ bỏ phiếu về việc chính phủ có nên tìm cách trì hoãn thời hạn rời EU là ngày 29/3 hay không.

Thật dễ để những người ủng hộ Brexit đổ lỗi cho EU, lập trường thống nhất và trước sau như một của họ đã khiến các nhà đàm phán Anh tức giận.

Nhưng điều đó hơi giống như việc đổ lỗi cho thủ môn đối phương đã thực hiện rất nhiều pha cứu thua. EU không muốn để lại vấn đề biên giới cho những thay đổi bất thường trong đời sống chính trị nước Anh bằng cách cho phép vấn đề này trở thành một phần của các cuộc đàm phán thương mại; Ireland cũng hiểu đòn bẩy lớn nhất của họ là trong các cuộc đàm phán "ly hôn."

Tất nhiên, EU cũng là một kẻ thua cuộc; nhưng họ đã chọn sự thống nhất và duy trì thị trường duy nhất bằng một thỏa thuận với giá cao hơn.

Việc bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận cho thấy đa số nghị sỹ vẫn không thể chấp nhận sự thỏa hiệp vốn có trong quyết định rời EU. Quốc hội không thể quyết định và Thủ tướng thì đã ngả hết quân bài.

Sự thất bại sẽ đòi hỏi việc đẩy lùi thời hạn chót là ngày 29/3, một điều mà EU nên chấp thuận, vì mối lo ngại về nhân đạo và lợi ích của chính EU.

Gia hạn 3 tháng, điều chưa từng có tiền lệ, không đủ thời gian để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới, ngay cả khi các nghị sỹ có thể chấp thuận vấn đề biên giới Ireland và các điều khoản. Nếu đó là hướng đi được ưa thích hơn, EU sẽ cần có thêm thời gian.

Một cuộc tổng tuyển cử khác đã trở nên có khả năng hơn và cũng có thể là con đường tốt nhất ở phía trước. Nó sẽ buộc các đảng chính trị phải đưa ra lập trường trong cương lĩnh tranh cử của đảng: Liệu họ có ngăn chặn được một Brexit không có thỏa thuận hay không?

Điều đó sẽ khiến nó trở thành một cuộc trưng cầu ý dân trên thực tế không chỉ về Brexit, mà cả về phương hướng phát triển kinh tế trong tương lai, điều mà hai đảng Bảo thủ và Công đảng có tầm nhìn rất khác nhau.

Một chính phủ đa số sẽ đưa ra một lộ trình rõ ràng, được cử tri chấp thuận; một chính phủ thiểu số sẽ phải tiếp cận các đảng phái theo cách mà bà May không bao giờ làm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục