Cho vay tiêu dùng: Cung chưa gặp cầu

3h chiều một ngày cuối tháng 3, trời Sài Gòn nắng như đổ lửa. Thế nhưng trụ sở của một công ty kinh doanh tài chính lớn vẫn đông nghẹt người với mong muốn được tư vấn vay tiêu dùng.

3h chiều một ngày cuối tháng 3, trời Sài Gòn nắng như đổ lửa. Thế nhưng trụ sở của một công ty kinh doanh tài chính lớn vẫn đông nghẹt người với mong muốn được tư vấn vay tiêu dùng.

Thậm chí, có khách hàng sẵn sàng theo chân nhân viên công ty ra quán cà phê ven đường để được tư vấn, bởi thời điểm này trong văn phòng công ty không còn chỗ ngồi.
 
Nhiều chiêu hút khách
 
Trong thời gian qua, từ khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty tài chính được vay hỗ trợ lãi suất 4%, dịch vụ cho vay tiêu dùng được đẩy mạnh hơn. Các ngân hàng cũng vào cuộc với nhiều dịch vụ cho vay siêu tốc để thu hút khách.

Theo các ngân hàng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được xem là “tăng trưởng nóng”, cao nhất lên đến 90%. Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, ngoài vốn hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương kích cầu, ngân hàng kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân khi được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận và chi phí vốn đầu vào đã rẻ hơn.

Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng đưa ra các chương trình tín dụng tiêu dùng, tập trung vào cho vay mua nhà, đất, sửa chữa nhà, mua ôtô, mua hàng trả góp, thấu chi qua thẻ...
 
Cụ thể, Ngân hàng Sacombank mục tiêu tăng trưởng tín dụng mức 50.000 tỷ đồng, cao hơn năm trước 50%. Hiện nay, ngân hàng đã cho vay đạt gần 37.000 tỷ đồng. DongA Bank cũng dành riêng ngân khoản 4.000 tỷ đồng hỗ trợ tài chính cho khách hàng cá nhân thông qua chương trình cho vay 24 phút. Ngân hàng Eximbank cho vay tối đa 500 triệu đồng, lãi suất 10%/năm.

Theo một nhân viên tư vấn của Công ty tài chính Prudential, hiện công ty đang đẩy mạnh dịch vụ này. Thậm chí, khách hàng chỉ cần có hợp đồng (photo) mua bảo hiểm nhân thọ của bất kỳ một hãng nào với thời gian bắt đầu hợp đồng bảo hiểm 1 năm trở lên, cộng với hợp đồng lao động (không cần chứng minh thu nhập) là có thể vay tiền.

“Cầu” thực, vốn “ảo”
 
Mặc dù dịch vụ cho vay tiêu dùng đang rất nở rộ, nhưng trên thực tế, các điều kiện cho vay ở các công ty tài chính lớn và các ngân hàng vẫn được thắt chặt. Hầu hết các ngân hàng đều đưa ra các điều kiện khi cho cá nhân vay tín chấp là: Phải đang công tác với thu nhập ròng hàng tháng từ 4 triệu đồng trở lên; thâm niên công tác 2 tháng trở lên và tối thiểu 12 tháng tại đơn vị hiện tại; có điện thoại cố định tại nơi cư trú...

Đối với cho vay thế chấp là cá nhân hoặc doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp thuộc sở hữu của người vay; phải có tài liệu chứng minh thu nhập để trả nợ (hợp đồng lao động, xác nhận lương, hợp đồng cho thuê nhà, thuê xe, giấy phép kinh doanh)...

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng đáp ứng được các yêu cầu trên, đặc biệt là chứng minh thu nhập. Anh Quang Duyên (quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) là phiên dịch cho một công ty xây dựng cho biết, mặc dù làm cho công ty này hơn 1 năm nay, mức thu nhập hàng tháng của anh khoảng trên 7 triệu đồng, nhưng do công ty chỉ ký hợp đồng thời vụ nên không thể chứng minh thu nhập. Như vậy, dù có thu nhập vào loại khá nhưng anh vẫn không đủ điều kiện để được vay tín chấp.

Trường hợp của chị Thanh Thảo (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) lại khác, chị hiện làm việc cho một cơ quan nhà nước với hợp đồng dài hạn, có đủ giấy tờ chứng minh tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Song do mức thu nhập trên hợp đồng của chị chưa đầy 3 triệu đồng/tháng nên cũng không vay được tiền để sửa nhà. Nhân viên ngân hàng nói với mức lương này, chị không đủ để có thể trả nợ hàng tháng.

Thậm chí, ngay cả những người đã đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng nhưng vẫn khó tiếp cận được vốn vay bởi chồng hồ sơ xin vay vốn đang chất đống tại các chi nhánh ngân hàng, và việc giải quyết không phải một sớm một chiều.

Nhiều trường hợp phải mất cả tuần, cả tháng mới chạm tay đến “túi” của ngân hàng, dù có những giới thiệu, cam kết từ phía cho vay là sẽ giải quyết chỉ trong vòng 3 ngày, thậm chí chỉ trong vòng 24 phút!

Việc các ngân hàng đưa ra điều kiện chặt chẽ và chậm trễ giải quyết hồ sơ đã khiến nhiều người thực sự có nhu cầu vay vốn hoài nghi về chương trình hỗ trợ cho vay tiêu dùng chỉ là quảng cáo. Chính vì vậy, một số đơn vị, cá nhân đã tìm đến dịch vụ tư nhân hỗ trợ vay “trọn gói”. Điều này dẫn đến những câu chuyện dở khóc, dở cười bởi sau nó tiềm ẩn nhiều rủi ro./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục