Cho ý kiến về Dự án Luật Tần số vô tuyến điện

Góp ý cho dự án Luật Tần số vô tuyến điện, chiều 15/6, nhiều ý kiến phát biểu tại tổ cho rằng luật cần chú trọng nội dung về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; xác định rõ cơ quan quản lý Nhà nước đối với tần số vô tuyến điện; về Thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện; về phí sử dụng tần số...

Góp ý cho dự án Luật Tần số vô tuyến điện, chiều 15/6, nhiều ý kiến phát biểu tại tổ cho rằng luật cần chú trọng nội dung về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; xác định rõ cơ quan quản lý Nhà nước đối với tần số vô tuyến điện; về Thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện; về phí sử dụng tần số...
 
Đa số ý kiến đều cho rằng về cơ bản, nội dung của dự án Luật đã tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước, giải quyết một cách khá cơ bản các vấn đề bất cập của pháp luật trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện hiện nay.
 
Về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, phần lớn các ý kiến phát biểu đều nhất trí với việc trong dự án Luật có quy định về Ủy ban Tần số vô tuyến điện để thực hiện chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phối hợp quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện.
 
Thực tiễn cho thấy một số băng tần được dùng chung cho cả lĩnh vực dân sự, an ninh, quốc phòng. Vì vậy, khi xây dựng các chính sách, quy hoạch tần số và trong quá trình sử dụng phải có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan dân sự, an ninh và quốc phòng với nhau.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành việc thành lập Ủy ban Tần số vô tuyến điện với vai trò tư vấn cho Thủ tướng, nhưng cần phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ và vị trí của Ủy ban này với cơ quan quản lý Nhà nước mang tính chất thường xuyên. Những hoạt động quản lý thường xuyên liên quan đến tần số vô tuyến điện thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này cần phải làm rõ, nếu không sẽ bị chồng chéo.
 
Theo dự án Luật quy định việc áp dụng phương thức đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần số, kênh tần số có giá trị thương mại cao, khi nhu cầu đăng ký sử dụng vượt quá khả năng phân bổ các băng tần số, kênh tần số đó và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về thi tuyển.
 
Về vấn đề này, các đại biểu cơ bản tán đồng quan điểm đấu giá, song một số đại biểu yêu cầu quán triệt nguyên tắc rõ ràng, minh bạch: “Trừ những trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, các quan hệ chuyển quyền cho thuê, mượn, sử dụng chung tần số… thực chất là quan hệ hợp đồng kinh tế hoặc dân sự, vì vậy phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về kinh tế hoặc dân sự, không nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước quyết định,” đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) nói.
 
Một số đại biểu khẳng định, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là một vấn đề mới, việc đấu giá hay thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần, kênh tần phải phụ thuộc vào giá trị của nó ở từng thời kỳ cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi của Luật, dự án Luật quy định theo hướng cho phép áp dụng phương thức đấu giá trong cấp giấy phép quyền sử dụng tần số, còn áp dụng với băng tần nào, kênh tần số nào, vào thời điểm nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định để linh hoạt với từng thời kỳ cụ thể.
 
Về vấn đề “đảm bảo an toàn bức xạ vô tuyến điện,” đại biểu Đỗ Căn (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng thực tế Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về an toàn bức xạ điện từ (TCVN 3718-1:2005 - Quản lý an toàn bức xạ tần số radio) trong đó có quy định về quản lý an toàn bức xạ tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện. Đây là vấn đề xã hội đang rất quan tâm, vì vậy để phù hợp với quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, dự thảo Luật cần quy định cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
 
Đại biểu Ngô Anh Dũng (Hà Nội) cho rằng vấn đề an toàn bức xạ vô tuyến điện đang là bức xúc của xã hội khi đặt các trạm thu phát sóng vô tuyến điện, bởi vậy cần thiết phải có cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này và cơ quan có trách nhiệm phải chứng minh được các trang thiết bị sử dụng thu phát sóng này không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
 
Thu phí hay thu thuế sử dụng tần số vô tuyến điện cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Theo dự án Luật quy định về phí sử dụng tần số vô tuyến điện là khoản thu do nhà nước quy định, được xác định trên cơ sở giá trị kinh tế của phổ tần số sử dụng, mục đích sử dụng, mức độ chiếm dụng phổ tần số, phạm vi phủ sóng, mật độ sử dụng kênh tần số trong băng tần và trong khu vực được cấp phát.
 
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quản lý tần số vô tuyến điện phải theo chính sách quản lý tài nguyên quốc gia. Cũng có ý kiến cho rằng cần thiết phải có quy định một khoản thuế nhất định để quản lý tần số vô tuyến điện. Tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý hiếm của quốc gia, nên cần xem xét áp dụng. Mặt khác, tần số vô tuyến điện là loại tài nguyên đặc biệt, ai được sử dụng băng tần, dải tần sẽ có được một sức mạnh về mặt kinh tế, kinh doanh và có được nguồn lợi nhuận./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục