“Choáng” vì phân bón kém chất lượng

Tại hội nghị đánh giá tình hình thanh tra, kiểm tra phân bón và các giải pháp định hướng năm nay ở các tỉnh phía Nam, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra thông tin, hiện nay tình hình chất lượng phân bón rất đáng lo ngại bởi có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tại hội nghị đánh giá tình hình thanh tra, kiểm tra phân bón và các giải pháp định hướng năm nay ở các tỉnh phía Nam, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra thông tin, hiện nay tình hình chất lượng phân bón rất đáng lo ngại bởi có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Kinh hoàng chất lượng

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có trên 300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với trên 3.000 loại sản phẩm khác nhau như phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng, phân vi sinh, phân vô cơ và phân bón lá.

Để quản lý tốt việc sản xuất và kinh doanh phân bón, Nhà nước đã có nhiều văn bản về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, tuy nhiên hiện nay việc kiểm soát sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón còn nhiều bất cập, một số cơ sở sản xuất phân bón nhỏ, lẻ chạy theo lợi nhuận đã sản xuất những loại phân kém chất lượng, phân giả làm thiệt hại không nhỏ cho nông dân và sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ 22 tỉnh, thành ở phía Nam, năm 2008, kiểm tra hơn 4.430 lượt công ty sản xuất, công ty kinh doanh và các đại lý kinh doanh phân bón. Tuy nhiên số đơn vị được kiểm tra chỉ bằng trên 10% các công ty, cơ sở, đại lý sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Trong số hơn 920 mẫu phân bón được mang đi kiểm định trong năm 2008, có tới 435 mẫu không đạt chất lượng theo công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm hơn 47% số lượng mẫu được lấy.

Tại 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, kết quả kiểm tra cho thấy, trong tổng số 50 sản phẩm phân bón được kiểm tra thì có đến 62% không đạt chất lượng như công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Phân tích số liệu tổng hợp từ 9 tỉnh, thành khác như Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tây Ninh, An Giang, Bình Thuận và Long An cho thấy, trong tổng số 146 sản phẩm phân bón được lấy mẫu bị vi phạm về chất lượng thì phân vô cơ có hơn 100 sản phẩm, chiếm hơn 69%; phân hữu cơ các loại có 28 sản phẩm, chiếm hơn 19% và phân bón lá các loại có 17 sản phẩm, chiếm gần 12%. Trong ba loại phân bón vô cơ, hữu cơ và phân bón lá thì phân vô cơ có tỉ lệ kém chất lượng cao nhất.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, nhìn chung các chỉ tiêu dinh dưỡng giảm khoảng 5 - 10%, một số sản phẩm phân bón cá biệt có các chỉ tiêu dinh dưỡng giảm tới 40 - 50%.

Trước tình hình cấp thiết về chất lượng phân bón, cuối năm 2008 và 2 tháng đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn đi khảo sát tại 10 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long gồm Long An; Tiền Giang; Bến Tre; Vĩnh Long; Đồng Tháp; An Giang; Cần Thơ; Kiên Giang; Hậu Giang và Trà Vinh.

Theo kết quả điều tra, tại các địa phương này đã có 25/55 sản phẩm nhãn hàng hóa ghi không đúng theo hồ sơ đăng ký (không đúng theo danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam); không ghi địa chỉ nơi sản xuất gây nhầm lẫn cho người sử dụng.

Trong việc công bố tiêu chuẩn chất lượng, có 40/55 sản phẩm phân bón thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng chưa đúng. Đoàn cũng đã kiểm tra chất lượng phân bón của 51 mẫu phân bón tại 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh, kết quả có 29/51 mẫu không đạt chất lượng.

Lỗi từ nhiều phía

Theo phân tích của Cục Trồng trọt, tình trạng phân bón kém chất lượng tràn ngập thị trường hiện nay là do hệ thống văn bản pháp quy chuyên ngành về phân bón chậm được phổ biến, cập nhật một cách liên tục và hệ thống, còn nhiều chồng chéo (cùng một nội dung nhưng có nhiều văn bản của các ngành khác nhau quy định), nhiều đầu mối (một mặt hàng nhưng lại do nhiều cơ quan quản lý) gây khó khăn trong quá trình quản lý.

Bên cạnh đó, do các quy định xử lý vi phạm hiện hành không đủ mạnh để răn đe nên hầu hết doanh nghiệp vi phạm chấp nhận nộp phạt rồi lại tiếp tục đưa ra thị trường phân bón kém chất lượng.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước bức xúc việc xử phạt, nên truy thu khối lượng hàng đã tiêu thụ để trả lại cho người nông dân, xử phạt 12 triệu đồng là quá thấp, cần phải phạt những người bán hàng kém chất lượng, hàng giả.

Thường sau khi có kết quả kiểm nghiệm các mẫu không đạt yêu cầu, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chấp nhận nộp phạt là xong, việc bắt buộc tái chế đối với các sản phẩm sau khi có kết quả kiểm tra không đạt chất lượng là khó thực hiện.

Đặc biệt, hiện nay có một số đối tượng kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất kinh doanh hàng hóa, nhất là các đơn vị nhỏ lẻ, khi vi phạm bị các cơ quan chức năng xử phạt thì không chấp hành hoặc trốn tránh trách nhiệm. Trong khi đó, nông dân còn có tâm lý thích mua hàng giá rẻ mà không biết rằng hàng hóa đó có chất lượng kém, mua hàng không cần hóa đơn và địa chỉ nơi bán, nơi sản xuất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Tất cả phải cùng vào cuộc


Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Cao su, một khách hàng lớn của ngành phân bón cho biết, ông cảm thấy “sốc” trước con số phân bón kém chất lượng được công bố và tập đoàn sẽ phải thận trọng hơn nữa khi lựa chọn vật tư nông nghiệp.

Các nhà quản lý, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón như xây dựng tiêu chuẩn về công nghệ sản xuất phân bón; tổ chức bộ phận thanh tra chuyên ngành; quy định cụ thể thế nào là phân bón giả, thế nào là phân bón kém chất lượng.

Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch cung cầu, cân đối phân bón để có kế hoạch sản xuất và nhập khẩu hợp lý; tăng cường nhân sự, đầu tư kinh phí cho kiểm tra, phân tích mẫu để đánh giá chất lượng phân bón, tránh tình trạng 1 mẫu sản phẩm đem đi phân tích tại nhiều nơi lại cho những kết quả khác nhau.

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, với cách làm chặt chẽ, nghiêm túc như vậy, các sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường. Hiệp hội Phân bón mong muốn khi thực hiện phân tích phải đồng bộ, để đảm bảo lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp. Hiện tại, nếu chưa có sự sửa đổi, Hiệp hội sẽ công bố những doanh nghiệp nào làm chưa tốt, loại phân bón nào chưa đạt tiêu chuẩn để nông dân biết, tẩy chay những sản phẩm kém chất lượng.

Theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn tình trạng phân bón kém chất lượng, ngoài lời khuyên với nông dân là phải làm người tiêu dùng thông thái, Bộ đang xây dựng chiến lược phát triển sản xuất phân bón đến 2020, xây dựng Luật Phân bón và các nghị định ban hành kèm theo nhằm quản lý chặt chẽ thị trường phân bón./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục