Chơi trò "mềm nắn, rắn buông", Iran thách thức Donald Trump

Tháng 9 tới, cả tổng thống Mỹ và lãnh đạo Iran sẽ cùng đăng đàn tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York, không có gì ngăn cản Donald Trump và Hassan Rouhani gặp nhau bên lề sự kiện ngoại giao này.
Chơi trò "mềm nắn, rắn buông", Iran thách thức Donald Trump ảnh 1Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran nằm cách thủ đô Tehran 1200km về phía nam ngày 20/8. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo Đài RFI, một khi lệnh cấm vận mới nhằm vào Iran có hiệu lực, bước đi kế tiếp của Mỹ trong hồ sơ nhạy cảm này là gì?

Nhà Trắng gia tăng áp lực tối đa để cản đường Tehran chế tạo bom nguyên tử, để kiềm chế ảnh hưởng của Cộng hòa Hồi giáo Iran trong khu vực hay với ý đồ lật đổ chế độ đang cầm quyền?

Washington phát đi rất nhiều tín hiệu về chính sách của Mỹ đối với Iran, vì vậy câu trả lời không đơn giản. Tuy nhiên, có một điều cần phải thừa nhận: Iran là một thách thức chiến lược của Mỹ.

Cả Washington lẫn Tehran đều biết lệnh cấm vận mới của Mỹ nhằm vào Iran càng đè nặng lên kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.

Căng thẳng trong xã hội Iran có nguy cơ gia tăng vì đồng tiền mất giá và lạm phát. Những hứa hẹn phát triển cho kinh tế Iran nhờ hiệp định Vienna mà chính quyền Tehran đạt được với cộng đồng quốc tế đã "chết yểu."

Từ trước khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã đòi “xé nát” thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Obama cùng với đại diện của Anh, Pháp, Đức Trung Quốc và Nga đã đặt bút ký kết ngày 15/7/2015.

Quốc tế công nhận thỏa thuận hạt nhân với Tehran không hoàn hảo, nhưng ít ra văn bản này bảo đảm là Iran sẽ không chế tạo bom nguyên tử như Triều Tiên.

Từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đến châu Âu hay Nga và Trung Quốc đều công nhận là chính quyền của Tổng thống Rouhani tôn trọng hiệp định Vienna, nhưng ngày 8/5 Nhà Trắng chính thức tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử này, gia hạn 180 ngày cho thế giới tuân thủ các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.

Washington không che giấu mục tiêu sau cùng là đạt được một thỏa thuận mới về hạt nhân với Tehran. Nhưng bên cạnh đó, chính quyền Mỹ lại liên tục đưa ra nhiều thông điệp khác nhau.

Cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ John Bolton nêu lên khả năng “thay đổi chế độ” ở Tehran. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo lại đưa tuyên bố đối lập rằng Iran cần biết Mỹ “sát cánh với họ.”

Nhưng rồi chính Tổng thống Donald Trump sau khi đã có những lời lẽ rất gay gắt đe dọa Iran, lại thản nhiên thông báo ông để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 27/7 đã trấn an cộng đồng quốc tế rằng Washington không chủ trương lật đổ chế độ ở Tehran.

Một số nhà phân tích đề cập tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chính sách của Mỹ đối với Iran.

Ngược lại, một số khác nhận thấy trong hồ sơ hạt nhân Iran, dường như ông Trump muốn áp dụng một chiến thuật tương tự như với Triều Tiên.

[Thay đổi thái độ với Iran, liệu Mỹ có dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt?]

Nghĩa là dùng những lời lẽ đao to búa lớn đe dọa đối phương, làm gia tăng căng thẳng, để rồi dịu giọng, chìa bàn tay thân thiện, tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh nặng phần trình diễn, và cuối cùng thông báo là đã đạt được thỏa thuận “tuyệt vời” với phía bên kia.

Liệu chiêu thức này có hiệu quả với Tehran như những gì Trump đã đạt được với Bình Nhưỡng hay không? Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Bởi thứ nhất, so sánh Triều Tiên và Iran hơi khập khiễng.

Đành rằng Bình Nhưỡng đã có bom nguyên tử, nhưng Kim Jong-un ngự trị trên một đất nước khép kín và bị cô lập với thế giới bên ngoài, ngoại trừ một điểm tựa quan trọng là Trung Quốc.

Trái lại Iran là một cường quốc tại Trung Đông. Ảnh hưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo này đã lan tỏa từ Yemen đến Liban và nhất là Syria.

Chưa kể là Tehran lại có nhiều điểm tâm đầu ý hợp với Tổng thống Vladimir Putin của nước Nga.

Ẩn số thứ hai, Trump dùng lá bài cấm vận, khuấy động sự phẫn nộ của công luận Iran chống lại chính quyền nước này, biết đâu lại phản tác dụng?

Washington tính sao nếu như lệnh cấm vận của Mỹ lại giúp cho người dân Iran đoàn kết hơn để đối mặt với một mối đe dọa từ bên ngoài?

Mềm nắn, rắn buông

Mặc dù vậy, Mark Dubowitz, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ mang tên Foundation for Defense of Democracies, đánh giá rằng những đòn hù dọa của Donald Trump cũng đã đem lại một số kết quả.

Theo chuyên gia này, Iran đủ khôn ngoan để chơi trò “mềm nắn, rắn buông”: Với Trump ở Nhà Trắng, từ một năm nay, các hành vi sách nhiễu tàu thuyền của Mỹ trong vùng Vịnh đã giảm đi thấy rõ.

Đồng thời, chính quyền Iran đã giảm cường độ các vụ thử nghiệm tên tửa trong thời gian gần đây. Nói cách khác, theo giám đốc trung tâm nghiên cứu của Mỹ này, thái độ hung hăng của Donald Trump như thể góp phần làm hạ nhiệt trong khu vực Trung Đông.

Chuyên gia Dubowitz lưu ý, tháng 9 tới đây, cả tổng thống Mỹ và lãnh đạo Iran sẽ cùng đăng đàn tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York, không có gì ngăn cản Donald Trump và Hassan Rouhani gặp nhau bên lề sự kiện ngoại giao này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục