Chống bảo hộ mậu dịch - Trọng tâm của Hội nghị G-7

Ngày 14/2, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các thành viên nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7) nhóm họp tại Roma, Italy, với trọng tâm là soạn thảo những quy định chung đối phó với khủng hoảng kinh tế và đấu tranh chống những quyết định bảo hộ mậu dịch.

Ngày 14/2, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các thành viên nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7) nhóm họp tại Roma, Italy, với trọng tâm là soạn thảo những quy định chung đối phó với khủng hoảng kinh tế và đấu tranh chống những quyết định bảo hộ mậu dịch.
 
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh điều khoản “Mua hàng Mỹ” trong kế hoạch chấn hưng kinh tế của chính quyền Barack Obama đã gây ra nhiều lo ngại, còn tại châu Âu thì đang có cuộc tranh cãi về kế hoạch cứu nguy ngành xe hơi của Pháp. Do vậy, đại diện các nước trong G-7, bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và khách mời là Nga, sẽ phải đưa ra những cam kết chống lại mọi xu hướng bảo hộ mậu dịch.
 
Sự lo ngại nói trên là có cơ sở. Trong kế hoạch kích thích kinh tế trị giá gần 800 tỷ USD của Mỹ, có điều khoản quy định rằng những dự án hạ tầng cơ sở phải sử dụng sắt, thép có nguồn gốc Mỹ.
 
Trước phản ứng của châu Âu và của chính Tổng thống Obama, Thượng viện Mỹ đã phải đưa ra các sửa đổi, theo đó, việc áp dụng điều khoản này sẽ phải phù hợp với những nghĩa vụ của Mỹ quy định trong các thỏa thuận quốc tế. Theo một quan chức chính phủ Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Timoth Geithner sẽ phải trấn an các đồng nhiệm trong G-7 và nhắc lại rằng bản thân Tổng thống Obama cũng coi điều khoản “Mua hàng Mỹ” là một “sai lầm”.
 
Còn tại châu Âu, những lời giải thích của Paris về kế hoạch cứu giúp ngành xe hơi chưa gạt bỏ được hoàn toàn những lo ngại về ý đồ bảo hộ mậu dịch của Pháp.
 
Đầu tuần này, Chính phủ Pháp đã quyết định chi ra khoảng 6 tỷ euro hỗ trợ cho hai hãng xe hơi là Renault và PSA Peugeot Citroen đi kèm với điều kiện là các tập đoàn này phải cam kết duy trì sản xuất tại Pháp.
 
Sau khi gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso, trong cuộc họp báo ngày 12/2 tại Bruxelles, Bỉ, Thủ tướng Pháp François Fillon nói rằng Paris chỉ yêu cầu các tập đoàn xe hơi nhận tài trợ không đóng cửa các cơ sở sản xuất tại Pháp, không sa thải nhân công.
 
Hơn nữa, Renault và Peugeot có những cơ sở sản xuất tại nhiều nước châu Âu như Séc, Slovakia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh..., nếu không cứu hai doanh nghiệp này thì ngành công nghiệp xe hơi châu Âu sẽ khó tránh khỏi lụn bại.
 
Trong G-7, Nhật Bản và Đức đặc biệt có phản ứng mạnh mẽ về xu hướng bảo hộ mậu dịch. Trước hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shoichi Nakagawa đã tuyên bố rằng Tokyo sẽ chống lại mọi biểu hiện bảo hộ mậu dịch. Ông nhấn mạnh rằng bài học từ cuộc đại suy thoái hồi đầu thế kỷ 20 cho thấy rõ rằng việc đóng cửa sẽ dẫn đến thảm họa và tại Hội nghị G-7, Nhật Bản sẽ thảo luận những biện pháp ngăn cản điều này tái diễn.
 
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhắc lại rằng Berlin cũng như một số nước đều lo lắng về ngành công nghiệp xe hơi, nhưng cần phải xem xét kỹ các biện pháp hỗ trợ; Ủy ban châu Âu phải là định chế giám sát sao cho việc cứu giúp này “được thực hiện một cách đúng đắn và công bằng”.
 
Ngày 13/2, phát biểu trước Hạ viện Đức, Bộ trưởng Tài chính Peer Steinbruck cũng cho biết tại Hội nghị G-7, Đức sẽ bảo vệ nguyên tắc tự do trao đổi mậu dịch và sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn tái diễn tình trạng như những năm 30 của thế kỷ trước, khi các nền kinh tế áp dụng biện pháp bảo hộ mậu dịch.
 
Theo giới quan sát, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay, Hội nghị G-7 lần này rất có tầm quan trọng, đặc biệt cần phải đưa ra được một thông điệp rõ ràng chống lại mọi xu hướng bảo hộ mậu dịch, để chuẩn bị cho hội nghị G-20 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 4 tới tại London (Anh)./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục