''Chông chênh'' chặng đường chèo lái Brexit của Thủ tướng Anh Johnson

Bên cạnh sự bấp bênh trong chiến dịch tranh cử, tình thế hiện tại đang khiến Thủ tướng Boris Johnson phải đối mặt với nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng Brexit lớn nhất từ trước đến nay.
''Chông chênh'' chặng đường chèo lái Brexit của Thủ tướng Anh Johnson ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson trong bài phát biểu tại London ngày 6/11/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau khi phải điều hành một Chính phủ thiểu số hồi tháng Bảy và không thể thúc đẩy thỏa thuận chia ly với Liên minh châu Âu (EU) trong Quốc hội, Thủ tướng Johnson sẽ phải tìm kiếm một thế đa số trong cuộc bầu cử sớm vào ngày 12/12 tới, với mục tiêu nhằm phá vỡ thế bế tắc Brexit, chỉ việc Anh rời EU.

Bên cạnh sự bấp bênh trong chiến dịch tranh cử, tình thế hiện tại đang khiến Thủ tướng Boris Johnson phải đối mặt với nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng Brexit lớn nhất từ trước đến nay, thậm chí kể cả khi ông thắng cử và cố gắng kết thúc đàm phán thỏa thuận thương mại với EU một cách chóng vánh vào cuối năm 2020.

Đây là lời cảnh báo được cựu Đại sứ Anh tại EU Sir Ivan Rogers đưa ra ngày 25/11.

Những lời hứa hẹn còn khiêm tốn

Ông Johnson hứa hẹn sẽ đệ trình thỏa thuận Brexit của mình trở lại Quốc hội trước ngày 25/12 nếu các thành viên trung hữu của đảng Bảo thủ quay trở lại nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử thứ ba trong vòng bốn năm qua.

Ông nói: “Sau đó, chúng ta có thể hoàn tất mọi thứ chỉ trong vài ngày, nếu không thì vài tuần, và từ nay đến 31/1, chúng ta có thể rời khỏi EU.”

Trọng tâm trong tuyên ngôn của đảng Bảo thủ là thỏa thuận Brexit mà ông Johnson đã đàm phán với Brussels hồi tháng Mười. Ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện để Anh giành lại quyền kiểm soát với các điều luật, chính sách tiền tệ và nhập cư của họ.

Đối thủ chính của ông Johnson, lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn, muốn tái đàm phán một thỏa thuận Brexit mềm hơn trong vòng ba tháng và sau đó sẽ đưa ra một cuộc trưng cầu ý dân để lựa chọn với việc sẽ ở lại EU cho đến cuối tháng Sáu. Bản thân ông Corbyn cũng tỏ ra trung lập trong tiến trình này.

Hãng thăm dò dư luận Britain Elects dự báo Đảng Bảo thủ sẽ giành được 42% số phiếu, bỏ xa Công đảng đối lập chính với 29%, trong khi đảng Tự do Dân chủ phản đối Brexit có 15% số phiếu, Đảng Brexit 6% và nhóm đảng Xanh 3%.

Thủ tướng Johnson cũng sẽ hưởng lợi từ quyết định của lãnh đạo Đảng Brexit Nigel Farage không tung ra các ứng cử viên tại những khu vực bầu cử hiện do các nghị sĩ đảng Bảo thủ tổ chức.

Tuy nhiên, dù dẫn đầu trên các bảng thăm dò, song ông Johnson cũng có những điểm yếu của mình, đặc biệt là những năm tháng thắt lưng buộc bụng mà các chính phủ Bảo thủ đã áp đặt kể từ năm 2010.

Ông cam kết sẽ chấm dứt những năm tháng kiềm chế thặng dư thương mại bằng cách bơm hàng tỷ bảng Anh vào các lĩnh vực công.

Tuy nhiên, các thành viên Bảo thủ vẫn cam kết sẽ không tăng ba loại thuế chính là thuế thu nhập, thuế mua hàng và những đóng góp bảo hiểm quốc gia cho phúc lợi nhà nước.

Mark Littlewood, Tổng Giám đốc hãng tư vấn Viện Nghiên cứu về các Vấn đề Kinh tế, cho biết bản tuyên ngôn này đã đặt ra những nghi vấn về cam kết của đảng Bảo thủ đối với trách nhiệm tài chính.”

Ông nói: “Đảng Bảo thủ vẫn chưa nói rõ cách họ định thực thi những cam kết chi tiêu hào phóng của mình mà không tăng thuế, cũng không tăng nợ công, hoặc cả hai.”

Trong khi đó, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Paul Johnson cho rằng những hứa hẹn chi tiêu của đảng Bảo thủ vẫn còn “khiêm tốn” so với những gì mà các đảng đối lập là Công đảng và Dân chủ Tự do đưa ra.

Ông nói: “Nếu các cương lĩnh của Công Đảng và đảng Dân chủ Tự do nổi tiếng vì quy mô của những tham vọng của họ, thì bản tuyên ngôn của Đảng Bảo thủ lại không phải như vậy.”

[Thủ tướng Boris Johnson: Anh sẽ rời EU muộn nhất là ngày 31/1/2020]

Trước đó, các biện pháp được tiết lộ hôm 24/11 bao gồm việc bổ sung thêm 50.000 y tá vào những chỗ trống, chi thêm tiền để hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, các biện pháp tăng hiệu suất năng lượng, huấn luyện lại các kỹ năng và nâng cấp đường sá. Phí gửi xe tại các bệnh viện ở Anh sẽ được miễn trừ cho một số bệnh nhân và nhân viên Phục vụ y tế quốc gia.

Ngoài ra, ông Johnson còn cam kết tăng ngân sách chi cho ngành y tế lên 33,9 tỷ bảng Anh trong năm 2023-2024, và hứa hẹn về một chương trình xây dựng hoặc nâng cấp 60 bệnh viện trong thập kỷ tới đây. Ông còn cam kết sẽ làm cho các đường phố trở nên an toàn hơn bằng cách tuyển dụng thêm 20.000 sỹ quan cảnh sát.

Về giáo dục, Thủ tướng thông báo một kế hoạch ba năm nhằm gia tăng chi tiêu cho các trường công lập tại Anh lên 7,1 tỷ bảng trong năm 2022-2023. Về năng lượng, ông Johnson đã hứa sẽ đưa nước Anh trở thành nước không phát thải khí carbon trong vòng 30 năm.

Về vấn đề nhập cư, ông muốn chấm dứt sự tự do di chuyển đối với các công dân EU và đề ra một hệ thống tính điểm theo kiểu Australia. Số lượng người nhập cư vào Đông Âu kể từ năm 2004 là một trong những nhân tố quan trọng chi phối số phiếu “ra đi” trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016.

Nhận định về những đề xuất này, nhà lãnh đạo Corbyn cho rằng ông Johnson đã tiết lộ một “bản tuyên ngôn cho các tỷ phú” và chỉ có thể tạo ra “thêm cắt giảm, thêm thất bại, thêm nhiều năm Brexit bất ổn.”

"Khung thành bỏ ngỏ”

Phát biểu tại Telford, miền Trung nước Anh, khi tiết lộ tuyên ngôn của đảng mình, ông Johnson cho biết: “Như các bạn biết, chúng ta hiện chỉ còn chưa đầy ba tuần trước khi cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước sẽ diễn ra. Sự lựa chọn chưa bao giờ khắc nghiệt đến thế.

Hãy để Brexit được hoàn tất và chúng ta có thể khôi phục lòng tin cùng sự ổn định cho các doanh nghiệp và các gia đình. Hãy để Brexit được hoàn tất và chúng ta có thể tập trung những con tim và khối óc vào những ưu tiên của người dân Anh. Đã đến lúc giải phóng tiềm năng của toàn bộ đất nước và thúc đẩy một nước Anh mới.”

''Chông chênh'' chặng đường chèo lái Brexit của Thủ tướng Anh Johnson ảnh 2Quốc kỳ Anh (phía trên) và cờ Liên minh châu Âu (phía dưới) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhận định về động thái này của Thủ tướng, cựu phái viên của Anh tại EU Sir Ivan Rogers cho rằng ông Johnson đã tự đưa mình vào "bẫy con voi" nếu đưa ra thời hạn chót quá ngặt nghèo. Và do vậy, đơn giản là EU sẽ khai thác thời hạn ấn định này để lấy đi nhiều sự nhân nhượng của Anh trong tiến trình đàm phán.

Sir Ivan cho rằng thỏa thuận thương mại chóng vánh gần như sẽ dẫn đến việc loại bỏ lĩnh vực dịch vụ chủ chốt của Anh ra khỏi bàn đàm phán và ông Johnson sẽ chịu một sức ép lớn trong đàm phán về vấn đề đánh bắt cá của Anh.

Trong bài giảng tại trường Đại học Glassgow, Sir Ivan cho rằng cam kết về cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ để đạt được thỏa thuận với EU vào tháng 12/2020 được các nước EU xem như là "khung thành bỏ ngỏ rộng" mà họ có thể khai thác triệt để.

Với thời hạn chót đưa ra nói trên sẽ dẫn đến một vách đá chênh vênh khác cho sự lựa chọn của Thủ tướng Johnson: Một bên là thỏa thuận "mỏng" về các điều khoản của EU và một bên là không đạt được thỏa thuận vào cuối năm. Nếu vấn đề thời gian tạo sức ép lên Thủ tướng, ông sẽ phải nhân nhượng rất nhiều vào cuối cuộc chơi và vẫn phải tuyên bố "chiến thắng."

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, đảng Bảo thủ cam kết sẽ tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại với EU vào năm tới và sẽ không kéo dài sau thời hạn chót hiện nay đặt ra là tháng 12/2020.

Điều đó có nghĩa là Thủ tướng Johnson cần phải đạt được thỏa thuận thương mại với EU, hoặc nước Anh sẽ phải tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nếu điều này xảy ra, vấn đề tắc ách vận chuyển hàng hóa tại đường biên giới sẽ xảy ra, và những gián đoạn kinh tế nghiêm trọng cũng sẽ xuất hiện. Nước Anh đến tháng 7/2020 vẫn còn thời gian để tìm kiếm gia hạn thỏa thuận thời kỳ chuyển đổi vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2020 theo thỏa thuận của ông Johnson với EU. Nước Anh có thể lựa chọn tìm cách kéo dài giai đoạn chuyển đổi này đến năm 2022.

Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid ngày 24/11 đã khẳng định không nghi ngờ gì, thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU sẽ hoàn tất vào tháng 12/2020. Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU vào cuối sang năm là điều rất khó, nhưng nói thêm rằng việc đàm phán có thể diễn ra nhanh chóng, nếu mối quan hệ thương mại mới gần như giống hoàn toàn với mối quan hệ hiện nay giữa Anh và EU.

Trong khi đó, Đại diện thường trực của Anh tại EU từ năm 2013-2017 Sir Ivan Rogers nhận định sự khăng khăng của ông Johnson cho rằng Anh nên khác với những quy định của khối EU có nghĩa là thỏa thuận thương mại mới sẽ rất phức tạp.

Ông bác lại lời khẳng định của Thủ tướng Johnson cho rằng thỏa thuận này giữa hai bên sẽ đơn giản, bởi vì sự "nhân nhượng" đến từ cả hai phía, được bắt nguồn từ những quy định liên kết và miễn thuế thương mại.

Ông cũng nói thêm rằng bất cứ thỏa thuận thương mại chóng vánh nào cũng có thể bao gồm các vấn đề như thuế khóa và chỉ tiêu và điều này sẽ mang lại lợi thế cho phía EU, dẫn đến tình trạng thặng dư thương mại hàng hóa, trong khi lĩnh vực các ngành dịch vụ thành công của Anh sẽ bị bỏ lửng.

Sir Ivan Rogers cho rằng thỏa thuận "mỏng" sẽ yêu cầu Anh phải ký những thỏa thuận sân chơi bình đẳng với EU - trong những lĩnh vực như cạnh tranh và các chính sách trợ giúp nhà nước - và phải ký cam kết đối với vấn đề đánh bắt cá. Đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm đối các nghị sĩ Bảo thủ hoài nghi châu Âu.

Cựu Đại sứ Anh tại EU nói thêm rằng nếu Thủ tướng Johnson quyết định phá vỡ cam kết trong cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ và kéo dài thời kỳ chuyển đổi, ông Johnson sẽ bị vướng vào vấn đề đàm phán ngân sách EU mới đối với vấn đề đóng góp của Anh.

Và nếu Thủ tướng Johnson gắn chặt với thời hạn chót của ông là tháng 12/2020, điều này sẽ được Pháp và Đức rất hoan nghênh, vì có lẽ đây là thời cơ để gây sức ép lên Thủ tướng Johnson.

Ở một góc nhìn khác

Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn ở trong nước song ở một góc nhìn khác, có thể thấy Thủ tướng Johnson đang nhận được những thái độ tích cực nhất định từ phía một số quốc gia khác, trong đó có Đức.

Gideon Rachman, người phụ trách chuyên mục bình luận quốc tế của tờ Financial Times, đã nói rằng trong chuyến thăm Đức mới đây nhất, ông đã nhận thấy những dấu hiệu cho thấy người Đức đang có thái độ ít gay gắt hơn đối với nước Anh và Thủ tướng Boris Johnson.

Thậm chí, đứng trước thực tế là người Anh đang sắp ra khỏi EU, người Đức mới phần nào nhận ra tầm quan trọng của “xứ sở sương mù” trong cấu trúc châu Âu.

Đến nay, Chính phủ của bà Merkel dường như đã đi đến quyết định rằng Brexit là điều không thể tránh khỏi, và dường như họ đang chấp nhận thực tế này.

Kết quả là giới chức Đức có thái độ tích cực đối với ông Johnson, thấy rằng ông là người dễ hợp tác hơn và dễ hiểu hơn so với người tiền nhiệm của ông là bà Theresa May. Họ hy vọng rằng ông Johnson cuối cùng có thể khiến Quốc hội chấp nhận thỏa thuận Brexit.

Chính phủ Đức dường như không oán giận vì ông Johnson muốn nước Anh đang trong tiến trình Brexit tách ra khỏi những quy định hiện nay của EU. Một quan chức cấp cao của Đức đã cho rằng Brexit sẽ không có nghĩa gì nếu như nước Anh không có những hướng đi rất khác so với EU.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Đức tham gia các cuộc đàm phán đang lo ngại rằng người Anh đã không hoàn toàn hiểu rằng những quy định quá khác nhau sẽ làm cho giai đoạn hai của cuộc đàm phán trở nên phức tạp, đó là đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Họ lo ngại nước Anh sẽ lại một lần nữa bước vào cuộc đàm phán Brexit không có sự chuẩn bị trước và với những kỳ vọng thiếu thực tế.

Ngoài ra, nhìn từ góc độ tâm lý, giới chóp bu tại Berlin dường như đã chấp nhận Brexit và bước tiếp, họ đang điều chỉnh để thích ứng với một EU không có Anh. Tuy vậy, thay vì làm cho cuộc sống trở nên đơn giản hơn đối với Đức, Brexit đang làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Anh là một nhà đóng góp lớn đối với ngân sách EU, và không có tiền đóng góp từ Anh, đóng góp của Đức sẽ phải tăng lên. Berlin đã bước vào cuộc tranh cãi gay gắt với các nước Nam Âu, những nước muốn EU tăng mạnh ngân sách và kỳ vọng Đức sẽ là nước sẽ đóng góp cho sự bổ sung này.

Quan điểm của Đức là ngân sách EU không nên vượt quá mức 1% GDP. Tuy nhiên, cho dù giữ ở mức này thì mức đóng góp hàng năm của Đức cho ngân sách của EU đã có thể tăng lên tới 10 tỷ euro mỗi năm.

Trước đây, Anh thường phản đối việc tăng thêm ngân sách của EU. Một quan chức Đức cho biết Anh thường đóng một vai trò quan trọng trong việc "kiểm soát" này. Nếu như ai đó (chẳng hạn như Tổng thống Pháp) đưa ra ý tưởng "điên rồ," Anh có thể sẽ là nước đưa ra một loạt những vấn đề yêu cầu cần xem xét như chi phí, pháp lý và tính thực tế.

Một quan chức Đức kể lại với thái độ nuối tiếc, khi đó họ không phải nói gì cả vì nước Anh đã nói lên những băn khoăn đó hộ nước Đức.

Trong khi đó, mối quan hệ Đức-Pháp lại đang gặp nhiều bất ổn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã đưa ra một số nhận xét về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ The Economist, ông cho rằng liên minh này đang trong tình trạng "chết não" và điều này đã khiến Berlin vô cùng kinh ngạc.

Điều kỳ quặc là người Đức chưa thực sự tranh luận về một số điểm mà ông Macron nói về NATO, đặc biệt là những khó khăn do việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Syria và nước Mỹ giảm bớt cam kết của mình đối với liên minh này.

Đức chỉ cho rằng việc Tổng thống Pháp công khai đánh giá thấp liên minh của phương Tây là điều rất phi chính trị. Bên cạnh đó, thái độ thăm dò của Pháp đối với Nga đã làm báo động các nước Ba Lan và một số nước thành viên Trung Âu thuộc EU.

Một quan chức Đức đã cho rằng, đối với Pháp những mối quan tâm lo lắng của Ba Lan dường như xa vời, nhưng Berlin chỉ cách biên giới Ba Lan có 80km.

Ông Macron ngày càng đưa ra những nhận xét thẳng thừng thể hiện sự bực mình của Pháp vì cho rằng chính phủ của bà Merkel đã phản ứng một cách quá thận trọng đối với những kế hoạch đầy tham vọng của ông về vấn đề cải cách EU - trong mọi chuyện từ quốc phòng cho đến Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Nước Pháp cảm thấy thái độ quá thận trọng của Chính phủ Đức đã làm giảm vị thế quốc tế của EU. Họ cũng đang lo ngại các đảng phái chính trị tại Đức đang ngày càng tập trung vào vấn đề trong nước, điều này khiến Chính phủ của bà Merkel trở nên hướng nội hơn và hoạt động chậm chạp hơn.

Tuy nhiên, những lời phàn này này không được Berlin chú ý đến nhiều. Một quan chức Đức thậm chí còn đùa rằng Tổng thống Pháp đang nghiền ngẫm "chủ nghĩa Trump được tri thức hóa," được biểu hiện bằng việc thích đưa ra những sáng kiến bất ổn khiến ngay cả những nhân vật cấp cao trong chính quyền của ông phải ngạc nhiên.

Người Đức cho rằng chỉ có chính sách ngoại giao suy tính thấu đáo và chi tiết mới tạo ra những bước tiến, chứ không phải bằng việc đưa ra những lời tuyên bố hào nhoáng thu hút sự chú ý trên báo chí.

Có thể nói, trong suốt gần nửa thế kỷ ở trong EU, nước Anh thường thấy mình bị gạt ra ngoài trong mối quan hệ gần gũi giữa "cặp đôi Pháp-Đức."

Tuy nhiên, đứng trước thực tế là người Anh đang sắp ra khỏi EU, dường như điều này lại khiến quan hệ năng động giữa Pháp và Đức trở nên bất ổn. Thế nhưng, cho dù như vậy thì tác giả vẫn cho rằng điều không thay đổi là cả Pháp và Đức vẫn giữ nguyên cam kết với nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục