Chông gai con đường hội nhập Eurozone của các nước Đông Âu

Việc EU áp dụng thêm các yêu cầu mới đối với Bulgaria trong việc gia nhập Eurozone cho thấy con đường hội nhập khu vực này của Sofia cũng như một số nước khác ở Đông Âu vẫn còn nhiều thách thức.
Chông gai con đường hội nhập Eurozone của các nước Đông Âu ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Trong bài phân tích trên mạng Bloomberg.com ngày 18/7, chuyên gia Slav Okov nhận định các nước Đông Âu mong muốn tham gia Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc hội nhập khu vực này.

Theo ông Okov, Bulgaria là nước mới nhất trong không gian hậu Soviet xác định mục tiêu gia nhập Eurozone. Nguyện vọng của Sofia vừa nhận được sự chấp thuận của Liên minh châu Âu (EU) hồi tuần qua.

Tuy nhiên, Bulgaria bị buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn “khắt khe” hơn so với các nước gia nhập Eurozone trong các giai đoạn trước đó.

Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Eurzone khẳng định những tiêu chuẩn này cũng sẽ được áp dụng đối với các nước khác đang mong muốn gia nhập Eurozone như Croatia và Romania.

Đến nay Bulgaria đã đáp ứng các tiêu chuẩn chính thức để gia nhập Eurozone. Sofia đang hy vọng sẽ được giam gia vào ERM-2 (cơ chế chuyển tiếp trước khi được kết nạp chính thức) vào mùa Hè năm nay.

Tuy nhiên, mục tiêu của Bulgaria đang vấp phải trở lực lớn từ phía EU.


[Bulgaria sắp nộp đơn xin gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu]

Khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, bê bối rửa tiền ở Latvia (các nước gia nhập Eurozone gần đây) khiến ban lãnh đạo Eurozone cân nhắc thận trọng hơn trong việc việc kết nạp thêm thành viên mới.

Bulgaria sẽ phải đáp ứng thêm các điều kiện, trong đó có việc hợp tác với Liên minh ngân hàng của Eurozone và tăng cường nỗ lực trong việc chống tham nhũng.

Thứ nhất, nạn tham nhũng phổ biến hơn ở nhóm các nước thành viên nghèo nhất trong EU. Chỉ số minh bạch của các nước Croatia, Romania và Bulgaria hiện chỉ ở mức lần lượt là 49, 48 và 43 trên thang điểm 100.

Ông Ciprian Dascalu, Giám đốc phụ trách khu vực Balkan của ngân hàng ING Bank NV, cho rằng các vấn đề liên quan đến việc giám sát hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét kết nạp thành viên mới vào Eurozone.

“Đây dường như là sự thay đổi luật chơi nhưng là bước đi cần thiết sau các cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu” - ông Dascalu khẳng định.

Chắc chắn quy định này cũng sẽ được áp dụng đối với Croatia - nước vừa khẳng định mục tiêu gia nhập ERM-2 vào năm 2020.

Dư luận cũng đang lo ngại về nạn tham nhũng ở Romania. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Croatia và Romania chưa được kết nạp vào Khu vực tự do đi lại Schengen.

Thứ hai, mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa các nước Đông Âu và các nước thành viên khác trong EU. Bulgaria và Romania đứng dưới cùng trong bảng xếp hạng mức GDP tính theo đầu người của EU.

Các lãnh đạo Eurozone đang thúc giục Bulgaria - nước thành viên nghèo nhất trong EU, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách với các nước khác trong EU.

Đây là điều kiện mà các nước Baltic gia nhập Eurozone trước đó không phải đáp ứng khi đệ đơn tham gia cơ chế ERM-2.

Ông Daniel Gros, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách châu Âu tại Brussels (Bỉ) đánh giá, yêu cầu mới này cho thấy EU đã rút ra được bài học từ việc kết nạp các thành viên trước đó.

Ông Gros nhấn mạnh: “Kinh nghiệm trong việc kết nạp các nước Baltic chỉ ra rằng, nếu một quốc gia có mức thu nhập thấp hơn tham gia Eurozone, quốc gia đó có nguy cơ rơi vào vòng xoáy phát triển quá nóng. Điều quan trọng là cần phải duy trì sự ổn định trong EU và các quốc gia mong muốn gia nhập Eurozone sẽ tự nhận thấy lợi ích trong việc cải cách hệ thống pháp lý trong nước.”

Chuyên gia Okov kết luận, việc EU áp dụng thêm các yêu cầu mới đối với Bulgaria trong việc gia nhập Eurozone cho thấy con đường hội nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu của Sofia cũng như một số nước khác ở Đông Âu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục