Chống hạn ở miền Trung, Tây Nguyên: Cùng vào cuộc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng thiếu nước và khô hạn tại khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên sẽ diễn ra gay gắt bởi trong các tháng mùa khô năm nay.

Trước tình hình mực nước các hồ thủy điện đều thấp hơn trung bình nhiều năm, việc sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nước thiên nhiên cho phát điện cũng như sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2012-2013 sẽ luôn là bài toán khó nếu cả ngành điện, ngành nông nghiệp và địa phương không cùng vào cuộc.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng thiếu nước và khô hạn tại khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên sẽ diễn ra gay gắt bởi trong các tháng mùa khô năm nay, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thấp hơn từ 40-50%, có nơi thấp hơn; khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm hoặc thấp hơn khoảng 10-15%.

Do vậy, việc cung cấp nước tưới vụ Đông Xuân 2012-2013 cũng như cả năm sẽ gặp khó khăn, nhất là ở vùng có công trình thủy lợi nhỏ, công trình tạm.

Trước tình hình dòng chảy trên các sông suối ở miền Trung và Tây Nguyên thiếu hụt nghiêm trọng, mực nước các hồ thủy điện đều thấp hơn trung bình nhiều năm, việc sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nước thiên nhiên cho phát điện cũng như sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2012-2013 sẽ luôn là bài toán khó nếu cả ngành điện, ngành nông nghiệp và địa phương không cùng vào cuộc.

Cơ cấu mùa vụ và chuyển đổi cây trồng

Vụ Đông Xuân 2012-2013, các tỉnh vùng miền Trung và Tây Nguyên có kế hoạch gieo sạ khoảng 653.000ha lúa. Ngay từ giữa tháng 12 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cân đối khả năng nguồn nước thực tế ở các sông suối, ao hồ, đầm, nước trữ của các công trình thủy lợi và nguồn nước ngầm của từng vùng, từng khu vực tại địa phương để chủ động bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát của các hồ chứa. Các hồ chứa đang sửa chữa nếu đủ điều kiện an toàn cũng phải tích nước chống hạn. Ưu tiên cân đối nguồn nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các địa phương ra quân làm thủy lợi để khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, các cửa khẩu dẫn nước đảm bảo đưa được nước tới mặt ruộng, nhất là các cấp kênh mương nội đồng.

Để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2012-2013, các tỉnh trong khu vực cũng chỉ đạo các địa phương phối hợp với các Công ty Khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc các phương án chống hạn đã đề ra, bổ sung các trạm bơm dã chiến, bảo dưỡng máy móc, tu sửa công trình; tổ chức kiểm tra đồng ruộng, đặt lịch tưới cụ thể cũng như phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt; tổ chức tưới luân phiên và tiết kiệm nước.

Đối với những vùng không cân đối được nguồn nước tưới cho suốt vụ, Bộ yêu cầu chuyển đổi cây trồng; gieo trồng những cây trồng cạn dùng ít nước, đảm bảo hiệu quả sản xuất. Riêng Cục Trồng trọt có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ, các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước. Đặc biệt ở những vùng núi cao, vùng ven biển không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tại tỉnh Phú Yên đã huy động các lực lượng và nhân dân tham gia làm thủy lợi; tu bổ, nạo vét kênh mương, công trình trên kênh, bể hút, bể xả đảm bảo đưa nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng, nhất là cấp kênh nội đồng. Các bờ bao, cống tiêu, cống ngăn mặn cũng được củng cố đảm bảo tiêu thoát nước tốt trong thời kỳ gieo sạ vào đầu vụ, không để mặn xâm nhập sâu đối với các khu tưới có ảnh hưởng thủy triều. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra độ mặn nguồn nước ở các trạm bơm tưới có khả năng bị nhiễm mặn để kịp thời có kế hoạch bơm tưới hợp lý trong quá trình cấp nước. Song song với đó, tu bổ các đập bồi, đập tạm đảm bảo kín nước, hạn chế thất thoát nước.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Phú Yên, hai Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ và Vĩnh Sơn-Sông Hinh tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy nông Đồng Cam thống nhất lịch phát điện của từng nhà máy thủy điện, đảm bảo cung cấp nước thường xuyên nguồn nước trên hệ thống Sông Ba để các trạm bơm, đập thủy lợi Đồng Cam đủ nước phục vụ sản xuất và chống hạn.

Khi nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh chạy phát điện hoặc xả nước, huyện Sơn Hòa và Sông Hinh có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các trạm bơm hoạt động đồng thời với công suất tối đa để tiết kiệm nước xả của các hồ thủy điện theo đúng lịch tưới của địa phương, đồng thời nạo vét kênh mương dẫn vào trạm bơm đúng thiết kế

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các trạm bơm cũng phải bố trí bảo dưỡng máy vào thời gian không sử dụng nước giữa vụ Đông Xuân và Hè Thu hoặc thời gian cuối tháng Tám năm nay, đầu tháng Chín khi kết thúc vụ Hè Thu. Việc sửa chữa được tiến hành luân phiên từng máy và đảm bảo nước cho hạ lưu.

Chủ động tích nước hồ chứa

Để đảm bảo mục tiêu chống hạn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động đề xuất với Cục Điều tiết điện lực tách các nhà máy có lưu lượng nước về thấp và mực nước thấp ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để điều hành tập trung từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nhằm tích nước tối đa chuẩn bị cho cấp nước vùng hạ du mùa khô năm 2013.

Hiện tại A0 đã và đang phối hợp với các Công ty thủy điện và các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, tại tỉnh Quảng Nam, các bên đã thống nhất kế hoạch cấp nước từng đợt để bổ sung dòng chảy cho hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn. Trong đó, đợt 1, từ ngày 20/12/2012 đến 10/1/2013, với lưu lượng từ thủy điện A Vương là 39m3/giây, liên tục trong 24giờ/ngày. Thủy điện Sông Tranh 2 tối thiểu 6 giờ/ngày với lưu lượng 110m3/giây. thủy điện Đăk Mi 4 liên tục 24 giờ/ngày với lưu lượng 50m3/giây.

Hồ thủy điện Buôn Tua Srah duy trì lưu lượng khoảng 100m3/giây trong 8-10 giờ/ngày để cấp nước cho vùng hạ du tỉnh Đắk Lắk. Thủy điện Sông Ba Hạ và thủy điện Sông Hinh phối hợp xả nước để duy trì dòng chảy liên tục cho hệ thống thủy nông Đồng Cam (Phú Yên) với lưu lượng 40m3/giây đến giữa tháng Tư tới. Từ tháng Một vừa qua đến ngày 31/5 tới, thủy điện Đa Mi điều tiết lưu lượng chạy máy tối thiểu là 30m3/giây ít nhất 12 giờ/ngày cấp nước cho hai huyện Tánh Linh và Đức Linh (Bình Thuận).

Còn đối với thủy điện Đại Ninh, lưu lượng chạy máy trung bình ngày tối thiểu từ đầu tháng Một đến tháng Tư năm nay là 10,75m3/giây để cấp nước cho huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc. Riêng thủy điện Đa Nhim sẽ duy trì lưu lượng khoảng 8-18m3/giây trong khoảng thời gian từ tháng Một đến giữa tháng Năm tới cấp nước cho Ninh Thuận.

Đảm bảo cung ứng điện

Năm nay, sản lượng thủy điện được huy động cả năm sẽ gần 54 tỷ kWh; trong đó, mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) là 20 tỷ kWh. Tuy nhiên, do các hồ thủy điện không tích được đầy hồ vào cuối năm 2012 nên sản lượng điện thiếu hụt vào mùa khô này sẽ là 1,43 tỷ kWh (tính cả các hồ bậc thang là 2,42 tỷ kWh).

Theo tính toán của EVN, trong năm, Tập đoàn này sẽ phải huy động gần 1,6 tỷ kWh chạy dầu FO và DO; trong đó, mùa khô là trên 1,1 tỷ kWh.

Để đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô 2013, EVN đã tập trung sửa chữa các tổ máy nhiệt điện than, tua bin khí; tích nước tối đa các hồ thủy điện. Đồng thời, đưa nhà máy Uông Bí mở rộng 2 với công suất 300MW; thủy điện Bản Chát có công suất 220MW, trong đó tổ máy 1 là 300MW; và nhiệt điện Quảng Ninh 2 vào vận hành nhằm tăng nguồn phát điện mùa khô.

EVN cũng phối hợp với các Tập đoàn: Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam (TKV), Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam, các Công ty phát điện thành viên của TKV, PVN và các đơn vị phát điện khác đảm bảo nguồn phát cho hệ thống điện.

Trước mắt, vụ Đông Xuân này, để đảm bảo cung cấp điện liên tục phục vụ bơm nước trong các đợt xả nước tập trung từ các hồ thủy điện, EVN đã yêu cầu các Công ty Điện lực bám sát lịch làm việc của các trạm bơm, lịch thời vụ của địa phương để thực hiện tốt phương án cung ứng điện an toàn, liên tục 24/24 giờ và đảm bảo chất lượng cho các trạm bơm điện. Đồng thời, tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng để xử lý nhanh tình huống xảy ra khi có sự cố lưới điện, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.

Vào thời điểm này, song song với kế hoạch cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đang xả nước đợt 2 để các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ lấy nước phục vụ gieo cấy khoảng 640.000ha lúa.

Vấn đề còn lại phụ thuộc vào các địa phương lấy nước vào hệ thống kênh mương và vận động nông dân sử dụng các phương tiện, công cụ đưa nước lên ruộng theo đúng kế hoạch phân phối nước với mục tiêu sử dụng nước tiết kiệm và tránh lãng phí. Các hệ thống thủy lợi cũng phải tranh thủ khi nguồn nước dồi dào tổ chức lấy và trữ nước vào kênh dẫn các cấp, ao, đầm, vùng trũng thấp để có đủ nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2012-2013./.

Mai Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục