Chống ngập ở Hà Nội - Cần giải pháp tổng thể

Hà Nội hiện còn nhiều "vùng trắng" về hệ thống thoát nước, trong khi Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 vẫn đang thi công, chưa đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến công tác thoát nước của thành phố... Những khó khăn này khiến người dân Thủ đô chưa thể hy vọng bớt úng ngập trong mùa mưa năm nay.

Hà Nội hiện còn nhiều "vùng trắng" về hệ thống thoát nước, trong khi Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 vẫn đang thi công, chưa đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến công tác thoát nước của thành phố... Những khó khăn này khiến người dân Thủ đô chưa thể hy vọng bớt úng ngập trong mùa mưa năm nay.

Sau trận mưa ngày 8/5 mới đây, Hà Nội chìm trong biển nước với hàng chục điểm úng ngập kéo theo tình trạng tắc đường, giao thông hỗn loạn và nhiều hệ lụy khác.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết sau mưa lớn, thường phải vài giờ nước mới rút, giao thông mới trở lại bình thường. Ngành giao thông vận tải phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất nếu Hà Nội xảy ra úng ngập, giao thông tê liệt.

Vẫn còn nhiều “vùng trắng”

Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên khoảng 2.400km2, rộng gấp hơn hai lần trước khi mở rộng địa giới hành chính. Ngoài quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và một số nơi được đô thị hóa, việc tiêu thoát nước của các khu vực mở rộng hoàn toàn phụ thuộc hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.

Ở nội thành và các vùng lân cận, ngoài khu vực thuộc lưu vực sông Tô Lịch có hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, hệ thống thoát nước ở các nơi khác trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu.

Hệ thống thoát nước khu vực tả ngạn sông Nhuệ kém nhất hiện nay. Với diện tích rộng gần 58km2, giới hạn bởi sông Nhuệ ở phía tây và sông Tô Lịch ở phía đông, đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhất của thành phố với nhiều công trình quan trọng nhưng lại chưa có dự án thoát nước đầu tư đồng bộ. Việc tiêu thoát nước chủ yếu bằng tự chảy ra sông Nhuệ qua các mương tiêu nông nghiệp đã xuống cấp trong khi mực nước sông thường lên cao vào mùa mưa, nhiều đoạn nước tràn bờ phía thượng lưu ảnh hưởng ngược vào nội thành.

Theo quy hoạch thoát nước tổng thể đã được phê duyệt, khu vực này cần cải tạo các mương nông nghiệp chuyển thành mương thoát nước đô thị và xây dựng các trạm bơm cục bộ tổng công suất 35 m3/s theo hướng thoát nước ra sông Nhuệ, xây dựng các hồ điều hòa tổng diện tích 200ha.

Khu vực quận Hà Đông thuộc lưu vực sông Nhuệ gồm 17 phường cũng bộc lộ nhiều yếu kém của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thường xuyên úng ngập khi có mưa. Vấn đề thoát nước gặp những khó khăn cơ bản do địa hình tương đối trũng, hệ thống thoát nước yếu kém, manh mún và phân tán, các mương tiêu thoát nước để hoang hóa hoặc bị lấn chiếm, bồi lắng, thu hẹp dòng chảy, nguồn tiêu động lực là các trạm bơm có công suất nhỏ và xuống cấp, các ao hồ bị san lấp...

Thoát nước ở quận Long Biên bất lợi do địa hình trũng, tiêu thoát tự chảy, nguồn tiêu thoát là sông Cầu Bây dài 7km nối với hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải phục vụ lợi ích nông nghiệp nên mực nước thường giữ ở mức cao, không chủ động về mùa mưa. Hệ thống thoát nước ở khu vực này chủ yếu là cống rãnh nhỏ và các mương tiêu nông nghiệp mới chuyển sang thoát nước đô thị sau khi thành lập quận, chưa có dự án đầu tư xây dựng đồng bộ, khả năng thoát nước kém.

Làm việc với các sở, ngành về công tác thoát nước mùa mưa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo thừa nhận hệ thống thoát nước của Hà Nội nhiều yếu kém, chưa hoàn chỉnh, năng lực tiêu thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu, công tác quản lý thiếu đồng bộ. Dự án thoát nước giai đoạn 1 bộc lộ một số bất cập, chưa có quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước.

Cần một giải pháp tổng thể

Chống úng ngập cho Hà Nội mùa mưa năm nay, Tổng công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội tập trung vào 4 giải pháp chính: đẩy mạnh duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, vận hành các công trình Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1, cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước, tổ chức ứng trực khi xảy ra mưa lớn và phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc triển khai chống úng ngập, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tại khu vực trạm bơm Yên Sở, đơn vị đã khắc phục bất cập bằng cách kè đoạn hạ lưu kênh dẫn vào trạm, xây tường bao ngăn nước khu vực trạm biến áp và các tường chắn ngăn không cho nước tràn vào khi mực nước sông lên cao. Công trình nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90m3/s đến nay đã hoàn thành một số công việc quan trọng nhưng vẫn thể đưa vào phục vụ trong mùa mưa năm nay.

Theo ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 mới đảm bảo thoát nước nhanh với trận mưa cường độ 172 mm/ngày tại những khu vực thuộc phạm vi dự án; khi mưa to và rất to (trên 50 mm), Hà Nội còn khoảng 28 điểm úng ngập cục bộ.

Tổng công ty đề nghị thành phố chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch Thoát nước tổng thể phù hợp với mở rộng và phát triển của Hà Nội, trước mắt đầu tư xây mới và cải tạo các trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông I (Mỹ Đình), Đồng Bông II (Mễ Trì) để cải thiện thoát nước cho khu vực các khu đô thị và trục đường giao thông phía tây và tây nam thành phố.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố theo địa giới hành chính mới, rà soát lại và đưa ra giải pháp cụ thể cho các điểm úng ngập.

Rút kinh nghiệm mùa mưa năm ngoái, các quận huyện phải xây dựng kế hoạch sơ tán dân, khắc phục hậu quả khi xảy ra úng ngập, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng giải quyết các điểm úng ngập, phân luồng cảnh giới giao thông, bảo đảm an toàn cho tài sản và tính mạng của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục