"Chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của VN"

Tổng Bí thư cho rằng chống tham nhũng phải được tiến hành kiên trì, bền bỉ, lâu dài và có nỗ lực lớn của các cấp, ngành và toàn dân.
Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc cử tri thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và tỉnh Thái Nguyên, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, ngày 4/12, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng việc chống tham nhũng phải được tiến hành kiên trì, bền bỉ, lâu dài và cần có nỗ lực rất lớn của các cấp các ngành và toàn dân. Muốn có kết quả tốt trong công việc này, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải làm tốt công tác phòng chống tham nhũng. Những vụ việc, biểu hiện tiêu cực nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời ngay từ cơ sở thì công tác phòng chống tham nhũng của cả nước sẽ có chuyển biến tốt.

Bên cạnh việc tích cực, chủ động phòng chống tham nhũng, cần nghiên cứu đề ra những cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa hiệu quả, Tổng Bí thư nói.

Sau khi thông báo tóm tắt về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009, Tổng Bí thư cho biết năm 2010 có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Chiến lược 10 năm 2001-2010, hoàn thành Nghị quyết Đại hội X và là năm tạo tiền đề cho bước phát triển trong nhiệm kỳ tiếp theo. Năm tới cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp và là năm có nhiều sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa quan trọng.

Cùng với việc chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp, các đơn vị trong toàn quân, cũng như cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần nỗ lực cùng toàn dân hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được đề ra trong năm 2010.

Tại các buổi tiếp xúc, sau khi nghe đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên báo cáo những kết quả của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, nhiều cử tri phát biểu bày tỏ sự vui mừng phấn khởi về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua, nhất là đã đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngăn chặn được lạm phát và suy giảm kinh tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới không ngừng được nâng cao.

Qua những kết quả đó, cử tri khẳng định tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cũng như công tác điều hành của Chính phủ. Về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII theo nhận xét của cử tri có nhiều tiến bộ hơn các kỳ họp trước, nhất là trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã thể hiện được sự giám sát tối cao và dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.

Trong công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp Quốc hội này đã tập trung vào những bộ luật liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân.

Cử tri là cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 1 kiến nghị với các đại biểu Quốc hội một số vấn đề như trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương hiện nay vẫn còn có hiện tượng chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà chưa gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng.

Về mặt đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội, các cử tri cho rằng hiện nay do giá cả tăng cao nên đời sống của họ còn nhiều khó khăn, đặc biệt những đơn vị làm công tác tại vùng biên giới, hải đảo, các vùng sâu, vùng xa. Đề nghị Đảng, Nhà nước nghiên cứu có chính sách phù hợp về lương, phụ cấp, nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ.

Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội cần giám sát chặt hơn hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để tránh thất thoát tài sản, nguồn vốn của Nhà nước.

Công tác chống tham nhũng thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến nhất định, nhưng vẫn còn nhiều vụ việc chậm được giải quyết gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Cử tri đề nghị cùng với chống tham nhũng quyết liệt, cần có những biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.

Cử tri ở thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên nêu nhiều giải pháp chống tham nhũng như phải xây dựng bộ máy chống tham những thực sự vững mạnh, tăng cường kiểm tra đột xuất, bảo đảm mức lương đủ sống cho cán bộ-công chức.

Cử tri nhất trí chủ trương phát triển công nghiệp để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhưng khi quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp nên cân nhắc, chú ý các vấn đề bảo vệ môi trường, di dân tái định cư, chính sách cho các nhà máy hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục