Chống ùn tắc ở Hà Nội: Bắt đầu từ quy hoạch

Chỉ cần một va chạm nhỏ giữa các phương tiện đang lưu thông; đèn xanh đèn đỏ “căn giờ” không hợp lý; xe buýt ì ạch sai múi giờ vài phút là giao thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bị ách tắc.

Chỉ cần một va chạm nhỏ giữa các phương tiện đang lưu thông; đèn xanh đèn đỏ “căn giờ” không hợp lý; xe buýt ì ạch sai múi giờ vài phút là giao thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bị ách tắc.

Căn bệnh ùn tắc giao thông của Thủ đô mỗi ngày lại thêm trầm trọng. Nếu không có đột phá từ khâu quy hoạch, Hà Nội sẽ mãi phải đối mặt với ùn tắc giao thông.

Quá nhiều nút giao thông “méo”

Nút cắt giao thông Giảng Võ-Cát Linh-Giảng Văn Minh là ví dụ. Đường Giảng Võ với mặt cắt lớn khi đến điểm giao với đường Cát Linh thì thắt hẹp một nửa và lượn một đường cong trước khi đấu nối ra Nguyễn Thái Học.

Đường Cát Linh với đường Giang Văn Minh là đường đồng trục, nhưng lại tạo thành một góc lớn vì thế nút giao thông này có hình méo dễ nhận ra nhất và luôn trong tình trạng tắc nghẽn khi gặp đèn xanh đèn đỏ.

Con nút Chùa Bộc-Tây Sơn dù được ngành giao thông thủ đô đổ rất nhiều tiền để cải tạo và tổ chức lại, song ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên.

Nguyên nhân chính là do nút giao thông này hiện có 3 góc nở và một góc khuyết (góc Chùa Bộc rẽ phải Tây Sơn). Vì lẽ đó, các phương tiện đổ dồn về nút giao thông này, nhưng lại không thoát được đi đâu, gây bất tương xứng về khả năng lưu thông theo biển chỉ dẫn, dẫn đến lộn xộn và ùn tắc.

Gây bức xúc dư luận nhiều nhất là nút Kim Liên-Ô Chợ Dừa. Trước đây, khi chưa có đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa (mới) nối vào thì đây là ngã 5. Khi có con đường mới nối vào, giao thông tại khu vực này lộn xộn thêm nhiều lần, vì con đường mới đấu vào lại thông qua một ngã ba và tạo thành một ngã sáu mới. Do cốt đường mới cao hơn cốt đường cũ đến gần 1m, nên hai con đường nối với nhau bằng một con dốc, dòng phương tiện chuyển hướng bị ngược chiều nhau, dẫn đến va chạm xảy ra hàng ngày.

Hà Nội hiện nay đếm không thiếu những nút giao thông “méo” kiểu này và các cơ quan chức năng mới liệt kê được trên 70 điểm đen nút giao thông, trong đó có cả những đường cụt, đường "cua tay áo," có hình dạng kì dị ngay giữa lòng Hà Nội như Đê La Thành-Kim Mã; Bưởi-Hoàng Quốc Việt; Yên Phụ-Thanh Niên; Tôn Thất Tùng-Trường Chinh; Hoa Lư-Đại Cồ Việt, Nguyễn Khuyến-Lê Duẩn, Điện Biên Phủ-Trần Phú, dốc Bác Cổ.

Hệ quả là nhiều đường phố của Hà Nội bây giờ không chỉ tắc vào giờ cao điểm, mà tắc bất kể vào thời điểm nào, kể cả giữa trưa. Liên tục nhiều ngày qua, khoảng từ 10 - 12 giờ, nút cầu Trung Hòa-Láng-Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng lại kẹt cứng trong cảnh hỗn loạn, chen chúc nhau giữa quá nhiều loại xe cấp cứu, xe cứu hộ giao thông, xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe hơi, xe máy.

Lực lượng cảnh sát giao thông có mặt tại đây chỉ biết “bó tay” đứng nhìn. Một chiến sĩ cảnh sát giao thông đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội làm nhiệm vụ tại khu vực này cho biết đèn tín hiệu giao thông vẫn sáng bình thường, nhưng do một số phương tiện cố vượt đèn đỏ đã gây ra ùn tắc giữa ngã tư, kéo theo cả 4 trục đường bị tắc.

Quy hoạch giao thông phải đi trước một bước

Hà Nội đã xây dựng nhiều chính sách như “hạn chế” đăng ký xe máy, xe số chẵn đi ngày chẵn, xe số lẻ đi ngày lẻ, hạn chế xe ngoại tỉnh song với cơ sở hạ tầng như hiện nay, các giải pháp này đều không phù hợp, nên không được thực hiện. Điều đáng lo ngại là nếu như trước đây các điểm ùn tắc giao thông chủ yếu nằm ngoài đường vành đai, thì nhiều tuyến phố nội đô hiện nay lại đang gia tăng ùn tắc.

Theo nhiều chuyên gia, quy hoạch giao thông của Hà Nội đang gặp phải một trở ngại không nhỏ, đó là sự tham gia của quá nhiều ban quản lý dự án xây dựng đô thị.

Theo thống kê của Sở GIoa thông vận tải Hà Nội, thành phố hiện có tới 30 đơn vị gồm các quận, huyện, thị xã có ban quản lý dự án xây dựng đường, cộng với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp tham gia quản lý và thực hiện các dự án giao thông như Tổng Công ty Hạ tầng đô thị, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Thương mại, chưa kể đến hàng loạt các cơ quan liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải. Nhiều đầu mối là vậy, nhưng đến nay bộ mặt giao thông thủ đô vẫn chưa được cải thiện, trong khi hàng loạt dự án còn dang dở.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải thuộc Đại học Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thụ, Hà Nội cần có một tổng công trình sư cho chuyên đề quy hoạch giao thông, với nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch giao thông; thẩm định yếu tố giao thông trong các dự án phát triển đô thị để tránh tình trạng làm nhà xong, thừa đất mới tính đến làm đường như hiện nay.

Hơn nữa, quy hoạch giao thông phải được làm trước một bước và các quy hoạch ngành phải lấy quy hoạch giao thông làm nền tảng.

Trước mắt, Hà Nội nên rà soát lại 500 nút giao thông, 600 tuyến đường nội thành để điều chỉnh những bất hợp lý về quy hoạch và tổ chức giao thông. Chỉ như vậy ùn tắc giao thông mới có thể sớm được cải thiện./.
 


(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục