Chủ biên sách giáo khoa "trần tình" về bài thơ “Thương ông"

“Việc chọn bài thơ nào, trích ra sao được chúng tôi cân nhắc rất kỹ lưỡng chứ không hề tùy tiện, trích bài thơ ‘Thương ông’ cũng vậy,” giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên sách Tiếng Việt lớp 2 nói.

“Việc chọn bài thơ nào, câu nào, trích ra sao được chúng tôi tuyển chọn, cân nhắc rất kỹ lưỡng chứ không hề tùy tiện. Trích đoạn trong bài thơ ‘Thương ông’ cũng vậy,” giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn Tiếng Việt lớp 2, chia sẻ.

Như Vietnam+ đã đưa tin, phần trích bài thơ “Thương ông” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 hiện hành đã gây khá nhiều tranh cãi trên các diễn đàn do đoạn trích này khác với đoạn trích cũng của bài thơ “Thương ông” trong chương trình sách giáo khoa tiểu học cũ. Nhiều ý kiến cho rằng nội dung trích theo sách mới không hay và vần điệu bằng sách cũ.

Chủ biên sách giáo khoa "trần tình" về bài thơ “Thương ông" ảnh 1Bài thơ "Thương ông" trích trong sách Tiếng Việt lớp 2, tập một. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trao đổi với Vietnam+, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, ông rất tôn trọng tình cảm của những người đã học bài thơ "Thương ông" trong sách giáo khoa cũ trước đây, nhưng không thể đem những giá trị đã tích lũy trong cuộc đời mình để soi vào cái mới.

Theo giáo sư Thuyết, “Thương ông” là bài thơ hay và Tú Mỡ là một nhà thơ  lớn, nội dung thơ lại phù hợp với chủ điểm ông bà ở lớp 2 nên ban soạn thảo đưa vào cuốn Tiếng Việt lớp hai, tập một.

Tuy nhiên bài thơ dài đến 168 chữ với 42 dòng là quá dài với học sinh tiểu học, vì thế buộc phải trích. Trước đây, bài thơ được đưa vào sách giáo khoa lớp 4 cũng phải cắt một nửa, không đưa toàn vẹn. Đối với lớp 2, yêu cầu về mặt dung lượng của văn xuôi là từ 120 đến 150 chữ mỗi tác phẩm, với thơ ngắn hơn, khoảng 100 chữ, do thơ có tính hàm xúc.

Khi viết sách, ông và ban soạn thảo đã so sánh bản sách cũ chọn với toàn văn và không đồng tình với cách chọn của sách cũ.

“Thứ nhất, theo tôi, cái hay nằm ở đoạn sau của bài thơ. Đoạn đầu sách cũ trích dài dòng kể lể và có những từ không chuẩn như ‘khập khiễng khập khà’. Tiếng Việt chuẩn là ‘khập khà khập khiễng’. Sách giáo khoa cho học sinh lớp hai là phải dạy từ chuẩn. Thứ hai, ở khổ đầu có những thơ nôm na quá như ‘trong lòng vui sướng’. Tôi quan niệm thơ phải chọn câu giàu hình tượng, giàu cảm xúc, hay có chi tiết độc đáo. Thứ ba, phần đầu bài thơ chưa có truyện, phần sau mới hay, thấy một em bé ngộ nghĩnh và tình cảm ông cháu sống động,” giáo sư Thuyết chia sẻ.

Cũng theo giáo sư Thuyết, việc đưa tác phẩm văn, thơ vào sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa tiểu học, đặc biệt lớp 1, 2 được các nhà biên soạn tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Tiêu chí chung trong việc chọn tác phẩn như bài thơ đó phải hay, có tính tư tưởng, phù hợp với tâm lý học sinh.

Về trích dẫn luôn ghi tên tác giả, có sửa, cắt ghép nhưng phải đảm bảo không làm sai ý của tác giả. Có tác phẩm văn xuôi ban soạn thảo phải rút từ hàng nghìn chữ xuống vài trăm chữ vẫn phải đảm bảo nội dung, chi tiết truyện, thậm chí cả văn phong của tác giả. Riêng với thơ chỉ cắt bớt câu, không thay chữ.

“Để làm sách giáo khoa, chúng tôi phải co gọn đến mấy trăm văn bản. Chúng tôi làm rất kỳ công và cẩn thận, không hề tùy tiện. Chẳng hạn bài thơ ‘Thương ông’ sau khi rút gọn còn 112 chữ với 28 dòng, dài hơn một chút so với quy định về thơ với học sinh lớp 2 nhưng đảm bảo giữ được những chi tiết hay nhất của bài,” giáo sư Thuyết nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục