Chủ quan, nhiều ca sốt xuất huyết biến chứng nặng

Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tại Hà Nội đang tăng vọt, trong đó nhiều ca đã biến chứng nặng vì chủ quan "khinh" bệnh.
Những ngày này, ngoài việc “gồng mình” chống lại sự quá tải do gia tăng bệnh nhân cúm A/H1N1, cán bộ, nhân viên y tế Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia còn phải lo điều trị cho rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đặc biệt, có không ít bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng, trụy mạch, nguy cơ tử vong cao.

Chủ quan "khinh" bệnh

Tại khoa Hồi sức tích cực, khoa Virút-Ký sinh trùng, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp của Viện đang điều trị nội trú cho hơn 100 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó không ít bệnh nhân biến chứng, thậm chí bị tụt huyết áp, trụy mạch, bác sĩ Nguyễn Nhật Thỏa, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia cho biết.

Theo bác sĩ Thỏa, đây là vấn đề cần lưu tâm vì từ đầu tháng 8 tới nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng mạnh hơn, có tới 311 trường hợp phải nhập viện điều trị, trong khi cả tháng 6 có 112 ca, và tháng 7 là 299 ca.

Hiện nay, tuy chưa có số liệu chính thức nhưng qua điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, số bệnh nhân bị biến chứng do chủ quan tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà vì nghĩ đó là sốt thông thường chiếm tỷ lệ khá cao.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân T.T. M (43 tuổi, quận Hoàng Mai). Khi bệnh nhân này được đưa tới viện, các bác sĩ đã phải khẩn trương tiến hành hồi sức cấp cứu ngay vì anh M. bị sốc, trụy mạch, huyết áp tụt không đo được. Trước đó, anh M. bị sốt liên tục trong 5 ngày nhưng do chủ quan, nghĩ mình bị cảm sốt thông thường nên anh M. tự điều trị tại nhà. Ngờ đâu đến ngày thứ 6, anh M. đột nhiên thấy mệt lả, đến mức không thể tự đứng dậy được nên được đưa đến Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia. May nhờ được cấp cứu kịp thời nên anh M. đã qua cơn nguy kịch.

"Nhưng cũng có trường hợp bệnh nặng do lỗi từ cán bộ y tế tuyến dưới”, bệnh nhân T.T.H, 44 tuổi, quận Hai Bà Trưng, bức xúc nói. Thấy mình bị sốt, mỏi mệt, nhức đầu, anh H. đã chủ động đến khám tại một bệnh viện ngành. Nhưng sau 5 ngày điều trị, bệnh tình của anh H. vẫn không thuyên giảm, thân nhiệt cao, nhức đầu. Vì thấy diễn biến bệnh ngày một xấu hơn và do bác sĩ của bệnh viện này chưa xác định được bệnh cụ thể, nên anh H. đã được chuyển tới Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia.

“Ngay sau khi khám bệnh, các bác sĩ tại viện đã xác định ngay là tôi mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vì tiểu cầu giảm quá thấp, và sau nhiều ngày không được điều trị đúng hướng nên việc điều trị của tôi phức tạp hơn”, anh H. mệt mỏi than thở.

Sốt cao liên tục, cần nghĩ tới sốt xuất huyết

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, việc chăm sóc, theo dõi sát diễn tiến lâm sàng của bệnh nhân sốt xuất huyết đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị kịp thời khi bệnh trở nặng. Trong thời điểm này, nếu có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau người, xuất huyết dưới da... thì cần nghĩ tới căn bệnh sốt xuất huyết ngay. Người bệnh nên đến khám tại bệnh viện chuyên khoa để được hướng dẫn, làm xét nghiệm máu, hoặc điều trị kịp thời.

Trong 3 ngày đầu mắc sốt xuất huyết, một số người bệnh có biểu hiện bệnh lý rất nhẹ nhàng, chưa bị xuất huyết, chỉ sốt cao tới 39-40 độ C… Trong trường hợp này, cán bộ sẽ hướng dẫn để bệnh nhân điều trị và theo dõi tại nhà.

Bệnh nhân cần được nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, ăn các chất dễ tiêu, đặc biệt là uống nhiều nước để giảm nguy cơ đông máu. Vì bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại (y khoa gọi là sự cô máu) - nguyên nhân chủ yếu gây ra sốc.

"Tình trạng nguy hiểm là sốc thường xảy ra ở ngày sốt thứ 3-6. Lúc đó, nhiệt độ hạ xuống đột ngột, da lạnh, tím tái, bệnh nhân vật vã, li bì... Sốc xuất hiện nhanh chóng với mạch nhanh nhỏ khó bắt, da lạnh nhớp mồ hôi, huyết áp hạ. Nếu không xử trí kịp thời, sốc diễn biến rất nhanh với huyết áp tụt xuống nhanh và đôi khi không đo được, mạch nhỏ khó bắt, bệnh nhân ở trạng thái lơ mơ, thở yếu. Thời gian sốc thường ngắn và bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 12- 24 giờ" , bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Qua thống kê cho thấy, đối tượng mắc sốt xuất huyết phần lớn tập trung ở lứa tuổi 16-30, trong đó có rất nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên. Nguyên nhân mắc bệnh là do các em thường trọ học ở những dãy nhà cấp 4 ẩm thấp, rất nhiều muỗi nhưng chủ quan, ngủ không mắc màn./.

Từ đầu năm tới nay, tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia có gần 2.360 trường hợp sốt xuất huyết đến khám, trong đó hơn 860 bệnh nhân nhập viện điều trị. Hà Nội là địa phương có số bệnh nhân sốt xuất huyết đông nhất, chiếm 91%.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục