Chủ sử dụng lao động kiến nghị mức tăng lương tối thiểu dưới 12%

Đại diện giới chủ sử dụng lao động đề nghị mức tăng lương tối thiểu năm 2015 chỉ tăng dưới 12% để tạo điều kiện củng cố thêm việc làm bền vững cho người lao động.
Chủ sử dụng lao động kiến nghị mức tăng lương tối thiểu dưới 12% ảnh 1Tăng lương tối thiểu có thể sẽ ảnh hưởng đến việc tạo việc làm mới. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Năm nay là năm thứ hai Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi vào hoạt động, mức tăng lương tối thiểu sẽ là sự thống nhất của đại diện giới chủ sử dụng lao động, người lao động và Chính phủ. Giới chủ sử dụng lao động đang thảo luận các phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2015 sẽ không quá 12%.

Thông tin được đưa ra tại buổi hội thảo “Đề xuất của người sử dụng lao động về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 5/6.

Tăng lương liệu có giảm việc làm?

Trong bối cảnh mỗi năm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản lên đến con số hàng chục nghìn cùng đó là sự gia nhập thị trường lao động khoảng một triệu người đã gây áp lực rất lớn khi tạo việc làm mới.

Nhu cầu tìm việc tăng trong khi nhu cầu tuyển dụng giảm là lý do mà giới chủ sử dụng lao động đưa ra để đề nghị xem xét lại mức tăng lương tối thiểu hàng năm.

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới Sử dụng Lao động cho biết, doanh thu của doanh nghiệp trong những năm gần đây không thay đổi nhưng quỹ lương của doanh nghiệp luôn tăng do tiền lương tối thiểu tăng.

Để có thể bù đắp chi phí cho quỹ lương tăng, doanh nghiệp đã lập kế hoạch cắt giảm chi phí cho nguyên vật liệu nhưng con số này không nhiều, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của VCCI, ngành dệt may hiện nay đang sử dụng trên 2,5 triệu lao động, trong đó 80-85% là lao động nữ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của yêu cầu tăng lương tối thiểu hàng năm, gánh nặng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, nộp phí công đoàn nên buộc các doanh nghiệp phải tính toán kỹ việc tuyển dụng và sử dụng lao động, nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất nhưng vì áp lực tăng lương đã phải tính toán lại.

Đề cập đến những vấn đề thực tiễn cần phải xem xét trong việc tăng mức lương tối thiểu năm 2013, ông Phùng Quang Huy cho rằng năm 2014 vẫn sẽ là một năm khó khăn, nếu mức tăng lương tối thiểu cao thì các doanh nghiệp sẽ siết chặt việc mở rộng kinh doanh, tuyển dụng nhân sự. Như vậy, tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp sẽ chịu thêm nhiều áp lực.

“Vụ việc những người biểu tình quá khích đập phá nhiều doanh nghiệp vừa qua đã khiến hàng chục nghìn lao động phải tạm thời thất nghiệp. Vì vậy, việc xem xét các biện pháp tăng số lượng việc làm mới khắc phục tình hình hiện nay cần phải cân nhắc đến mức tăng lương tối thiểu. Nếu tiếp tục tăng lương trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn thì sẽ khó tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động,” ông Phùng Quang Huy nói.

Ông Phùng Quang Huy cho biết, quá trình lấy ý kiến các doanh nghiệp về đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2015, một số doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn đề nghị tạm dừng việc tăng lương, một số khác đề nghị mức tăng thấp hơn mức tăng của năm 2014, chỉ tăng dưới 12% để tạo điều kiện củng cố thêm việc làm bền vững cho người lao động.

Chủ sử dụng lao động kiến nghị mức tăng lương tối thiểu dưới 12% ảnh 2Tăng lương và cải thiện môi trường làm việc sẽ giúp tăng năng suất lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nghịch lý lương và năng suất lao động

Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2%/năm và đây mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đến nay, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam đã chậm lại và chỉ còn 3,3%.

Ông Phùng Quang Huy cho biết, tốc độ tăng năng suất lao động những năm gần đây chậm lại cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp cảm thấy mức tăng lương hàng năm chưa thỏa đáng.

Trước ý kiến này của giới chủ sử dụng lao động, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng việc tăng lương tối thiểu không nên chỉ tính đến yếu tố năng suất lao động. Trong bối cảnh Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật Dạy nghề sắp tới sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội và chi phí cho đào tạo nhân lực ở mức cao hơn , điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tăng lương tối thiểu.

“Việc tăng lương tối thiểu cần được xem xét một cách toàn diện nhất có thể, nếu đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, mức đầu tư của doanh nghiệp cho nhân sự, môi trường làm việc tốt hơn thì năng suất lao động cũng sẽ được cải thiện. Nếu xem xét tính toán, ước lượng tổng thể từ nhiều khía cạnh có thể đưa ra được một mức đề xuất hợp lý,” ông Gyorgy Sziraczki nói.

Lương tối thiểu là mức lương sàn duy nhất mà nếu trả thấp hơn mức lương này, người sử dụng lao động sẽ vi phạm pháp luật. Các chuyên gia của ILO cho rằng việc thảo luận, đàm phán mức tăng lương cần tập trung vào nhu cầu của người lao động và các yếu tố kinh tế như khả năng chi trả của doanh nghiệp và tính cạnh tranh.

Ông Phillip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam nhận định, những đề xuất về phương án điều chỉnh lương tối thiểu của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn phải dựa trên những số liệu thống kê đáng tin cậy và những phân tích dữ liệu chính xác, tính đến cả các tiêu thức xã hội và kinh tế.

Mặc khác, ông Gary Rynhart, Chuyên gia cao cấp về hoạt động của giới sử dụng Lao động của ILO nhấn mạnh, Việt Nam cần tránh chỉ số hóa lương tối thiểu theo CPI bởi CPI chỉ đo lường thay đổi về giá cả mà không cung cấp thông tin về thu nhập và mức chi tiêu của tất cả các hộ gia đình.

Mức tăng lương tối thiểu vùng tại Việt Nam hiện nay được thảo luận tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập vào năm 2013 và đại diện cho tiếng nói bình đẳng của Chính phủ, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các tổ chức công đoàn./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục