Chủ tàu nước ngoài lạm thu hơn 10 loại phụ phí

Các doanh nghiệp Việt Nam đang bị bị chủ tàu nước ngoài thu nhiều khoản phụ phí vô lý khiến nhiều chi phí bị "đội" lên khá cao.
Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo gửi Chính phủ kết quả kiểm tra thực tế tại các cảng biển sau khi các doanh nghiệp Việt Nam phản ánh thực trạng bị chủ tàu nước ngoài thu nhiều khoản phụ phí vô lý.

Theo điều tra của tổ liên ngành do Bộ Giao thông vận tải chủ trì tại các cảng biển ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh, trên 10 loại phí  của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cảng biển đã bị các chủ tàu nước ngoài lạm thu.

Cụ thể, các khoản thu phí bị lạm thu thêm bao gồm: phí dịch vụ container, phí cân đối container, phí vệ sinh, phí tắc nghẽn cảng container, phí thủ tục, hóa đơn, kho bãi, cầu đường…khiến các chủ tàu nước ngoài lãi lớn trong khi chi phí của doanh nghiệp lại bị “đội” lên khá cao khiến giá bán ra bị tăng lên.

Bên cạnh đó, các chủ tàu còn có các đại lý ủy quyền và các đại lý đó lại thu thêm các khoản phụ phí. Hiện tại, hầu hết các hãng tàu lớn tại Việt Nam như: Waihai, Phoenix, Evergreen… đã thu các loại phí này.

Dẫn chứng cho việc này như: phí dịch vụ container THC (phí trả cho bến bãi đối với hàng nguyên container) vốn do cảng thu 20 USD/container 20 feet, nhưng thực tế hiện nay các chủ tàu thu tới 60-70 USD.

Các doanh nghiệp vận tải Việt Nam cho rằng, họ không chủ động được quyền thuê phương tiện nên bị áp đặt một cách bị động, không được quyền lựa chọn hãng tàu.

“Các loại phụ phí do chủ tàu nước ngoài thu thêm thời gian qua thực chất là giá cước và được thỏa thuận trong hợp đồng giữa người thuê và người vận chuyển,” đại diện doạnh nghiệp cho biết.

Ngoài ra, việc áp dụng thu phụ phí này chưa có một cơ chế quản lý, giám sát, hướng dẫn đồng bộ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên các chủ tàu nước ngoài có thể đơn phương áp thêm một số loại phí cho các doanh nghiệp.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cần có chính sách khuyến khích phát triển đội tàu trong nước, nâng cao cơ sở hạ tầng để tránh việc đối tác nước ngoài vin vào cớ này để bắt chẹt doanh nghiệp trong nước.

Bộ Giao thông vận tải cũng giao cho Hiệp hội chủ hàng Việt Nam và Phòng Thương mại công nghiệp Việt nam chủ trì hiệp thương, đàm phán về giá với các chủ tàu để tiến tới một thị trường giá cước và các loại phí minh bạch hơn./.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có 36 tàu container  và chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp trong nước, còn lại phải thuê các tàu nước ngoài.
 
Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục