Chủ tịch AU kêu gọi các nước thành viên tăng cường hợp tác

Hội nghị AU lần thứ 29 đã kết thúc ngày 4/7 sau hai ngày làm việc với lời kêu gọi các nước thành viên hợp tác bền chặt hơn nữa để giải quyết các vấn đề mấu chốt của khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch AU kêu gọi các nước thành viên tăng cường hợp tác ảnh 1Chủ tịch AU Alpha Conde. (Nguồn: chronicle.co.zw)

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 29 đã kết thúc ngày 4/7 sau hai ngày làm việc với lời kêu gọi các nước thành viên hợp tác bền chặt hơn nữa để giải quyết các vấn đề mấu chốt của khu vực và toàn cầu.

Trong tuyên bố bế mạc hội nghị tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Chủ tịch AU Alpha Conde - đương kim Tổng thống Cộng hòa Guinea, kêu gọi các nước thành viên tăng cường hợp tác và đoàn kết để giải quyết các vấn đề về phát triển, hòa bình và an ninh.

Ông Conde nhấn mạnh đến sự cần thiết các quốc gia châu Phi phải có tiếng nói chung trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như ngăn chặn làn sóng người di cư mà theo ông đây chính là nguyên do khiến khu vực này mất đi lực lượng lao động quan trọng là thanh niên.

[Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 29]

Với chủ đề chính “Vai trò của thanh niên trong tăng trưởng toàn diện và bền vững của châu lục,” Hội nghị thượng đỉnh AU có sự tham dự của khoảng 20 nhà lãnh đạo các nước châu lục.

Tại đây, các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên AU cũng đã thảo luận về vấn đề tự chủ tài chính của AU trong thời gian tới.

Ngoài mục đích phát huy những lợi thế to lớn trong việc đầu tư vào giới trẻ, Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 29 cũng đã tập trung thảo luận và giải quyết những vấn đề liên quan hòa bình và an ninh ở châu lục, nhất là giải quyết khủng hoảng ở 2 quốc gia thành viên là Somalia và Libya, cũng như xem xét việc cải cách tổ chức lớn nhất châu lục này để phát huy hiệu quả hơn trong tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 29 diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong đội ngũ lao động trẻ ở châu Phi hiện rất cao, chiếm khoảng 30% tổng lực lượng lao động.

Đặc biệt, tình hình an ninh, trật tự tại châu lục này đang có chiều hướng phức tạp khi các tổ chức Hồi giáo cực đoan gia tăng hoạt động khủng bố ở Somalia, Niger, Mali, Nigeria... cũng như nền hòa bình mong manh tại Libya, Nam Sudan.

Đáng lưu ý nhất là cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan đang bị coi là tồi tệ nhất châu Phi và thế giới hiện nay với hàng trăm nghìn người có nguy cơ bị chết đói, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục