Chủ tịch EC cam kết nỗ lực đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Chủ tịch EC Von der Leyen nhấn mạnh các bên tham gia đàm phán đang tràn đầy khí thế để tiến nhanh nhất có thể, cũng như nỗ lực làm việc cả ngày và đêm để nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 15/1, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng "làm việc ngày và đêm" để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh vào hạn chót cuối năm nay.

Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Ireland, Chủ tịch EC cho biết sau khi hoàn tất tham vấn tại Brussels và sau khi EU phê chuẩn quyết định ủy thác đàm phán, tiến trình đàm phán chính thức sẽ bắt đầu vào cuối tháng Hai hoặc đầu tháng Ba tới.

Chủ đề bao trùm trong tiến trình này sẽ xoay quanh câu hỏi nước Anh tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc và quy định của EU như thế nào hậu Brexit.

Trước thềm hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Leo Varadkar, bà Von der Leyen nhấn mạnh các bên tham gia đàm phán đang tràn đầy khí thế để tiến nhanh nhất có thể, cũng như nỗ lực làm việc thậm chí cả ngày và đêm để nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Bà tin tưởng các bên sẽ tìm được tiếng nói chung không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trên nhiều khía cạnh khác.

Tuần trước, tại London, nữ Chủ tịch EC cảnh báo khả năng việc đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại toàn diện sẽ kéo dài không dưới một năm.

[Anh thừa nhận vẫn có khả năng không đạt thỏa thuận thương mại với EU]

Giới phân tích nhận định cuộc đàm phán đầu tiên sẽ xoay quanh hàng loạt vấn đề, trong đó có nhiều nội dung được thảo luận sau ngày Brexit 31/1 tới.

Cả hai bên tham gia đều kỳ vọng các vấn đề mà họ quan tâm sẽ được giải quyết ngay trong khung thời gian đàm phán có hạn.

Về khía cạnh này, bà Von der Leyen cho rằng các nhà đàm phán thực sự sẽ chỉ có 8 tháng bởi một thỏa thuận cần có thời gian để được tất cả 28 quốc gia thành viên phê chuẩn.

Hiện EU ưu tiên xuất khẩu hàng hóa sang Anh và nhập khẩu các sản phẩm dịch vụ từ Xứ sở Sương mù.

Trong khi đó, Chính phủ Anh mong muốn đặt ra các quy tắc riêng hậu Brexit mà các quy tắc này sẽ giúp London có thêm nhiều thời gian để tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với Mỹ và nhiều cường quốc kinh tế khác.

Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn có thời hạn đến ngày 1/7 tới để yêu cầu gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, song ông cam kết sẽ không trì hoãn thêm tiến trình vốn đã kéo dài dai dẳng này kể từ khi người dân Anh ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục