Chủ tịch EC tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận nhằm giữ Anh ở lại EU

Chủ tịch Ủy ban châu ÂU Jean-Claude Juncker tin tưởng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ đạt được thỏa thuận về cải cách nhằm giữ chân Anh ở lại trong khối này.
Chủ tịch EC tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận nhằm giữ Anh ở lại EU ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (phải) và Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch ​Ủy ban châu ÂU (EC) Jean-Claude Juncker ngày 18/2 đã bày tỏ tin tưởng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt được thỏa thuận về cải cách nhằm giữ chân Anh ở lại trong khối này.

Phát biểu tại cuộc họp báo với sự tham gia của Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), ông Juncker cho biết ông rất lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận tại Hội đồng châu Âu, mặc dù vẫn còn một số vấn đề khúc mắc với Anh cần giải quyết.

Lãnh đạo nhiều nước EU cũng bày tỏ cam kết giúp nước Anh ở lại trong khối.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố lợi ích quốc gia của Đức là Anh tiếp tục ở lại trong EU.

Bà Merkel cũng thừa nhận rằng nhiều đề xuất của Thủ tướng Anh David Cameron cho việc cải tổ EU là “hợp lý và cần thiết.”

Theo nữ Thủ tướng Đức, những đòi hỏi của ông Cameron không chỉ vì nước Anh.

Theo dự kiến, vào lúc 21 giờ tối 18/2 (theo giờ Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ khai mạc ở Brussels với nội dung chính là bàn về những đề nghị của Anh và những phản hồi của EU nhằm đạt được thỏa thuận để giữ Anh ở lại trong liên minh gồm 28 quốc gia này.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng ta là tránh kỳ thị nhưng cùng lúc cũng khuyến khích sự khác biệt. Và đó không phải là mâu thuẫn với thực tế là Liên minh Kinh tế và Tiền tệ châu Âu dĩ nhiên sẽ tiếp tục thực hiện các quyết định cần thiết của mình.”

Đảng Bảo thủ của ông Cameron dự kiến sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017 về vấn đề có nên tiếp tục là thành viên của EU hay không.

Những đề xuất của ông Cameron bao gồm xây dựng năng lực cạnh tranh vào thực tiễn hành động của EU; đảm bảo rằng các quốc gia không sử dụng đồng euro, trong đó có Anh, không bị phân biệt đối xử; và áp dụng những sự hạn chế về di trú và phúc lợi.

Bà Merkel đã ủng hộ yêu cầu cải cách hệ thống phúc lợi trong EU, cho rằng mỗi nước thành viên đều có quyền bảo vệ hệ thống xã hội của mình. Tuy nhiên, bà bảo vệ cho nguyên tắc tự do đi lại trong EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục