Chủ tịch EC, Tổng thống Pháp điện đàm với Thủ tướng Anh về Brexit

Ngày 4/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã có cuộc điện đàm "thân thiện" với Thủ tướng Anh Theresa May về kế hoạch nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Chủ tịch EC, Tổng thống Pháp điện đàm với Thủ tướng Anh về Brexit ảnh 1Quốc kỳ Anh (phải) và cờ EU. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 4/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã có cuộc điện đàm "thân thiện" với Thủ tướng Anh Theresa May về kế hoạch nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Một người phát ngôn của EC cho biết hai bên đã đồng ý tiếp tục liên lạc vào tuần tới. Hôm 3/1, EC cho biết không có kế hoạch cho các cuộc họp tiếp theo với các nhà đàm phán Brexit của Anh sau Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 14/12 vừa qua.

Người phát ngôn của EC cho biết cuộc điện đàm trên nằm trong hoạt động của bà May nhằm thông báo cho các lãnh đạo châu Âu "về tình hình hiện nay và tình hình ở Anh." 

Ngay cả khi không đạt được thỏa thuận rút lui với EU, Anh vẫn sẽ rời EU vào ngày 29/3. Hiện chưa rõ chính phủ của bà May có thể làm gì nếu Quốc hội nước này không phê chuẩn thỏa thuận.

Ngày 7/1, nước Anh sẽ bắt đầu diễn tập cho sự hỗn loạn có thể xảy ra với trường hợp Brexit "không thỏa thuận," theo đó hệ thống giao thông phải xử lý khoảng 150 xe tải trong tình trạng rối loạn tại cửa ngõ thông thương quan trọng nhất tới lục địa châu Âu qua biển Manche là cảng Dover.

[Đối phó nhiều thách thức, hỗn loạn, châu Âu phải làm gì?]

Theo Reuters, trong cuộc điện đàm ngày 4/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với Thủ tướng Anh Theresa May rằng thỏa thuận mà bà May đàm phán về Brexit là "thỏa thuận tốt nhất có thể."

Một quan chức thuộc Điện Elysee nêu rõ: "Tổng thống Macron đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với thỏa thuận đạt được hôm 25/11, vốn là thỏa thuận khả thi nhất đối với các bên."

Tương lai thỏa thuận của bà May đang bấp bênh trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Hiện đang ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi trưng cầu dân ý lần thứ 2 về Brexit, điều mà bà May kiên quyết bác bỏ.

Những người phản đối thỏa thuận này cho rằng nó có thể khiến Anh bị mắc kẹt trong một liên minh thuế quan của EU vô hạn định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục