Chủ tịch Hà Nội ra công điện hỏa tốc chỉ đạo chủ động phòng, chống lụt bão

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các cấp, ngành, địa phương sẵn sàng triển khai quyết liệt, hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai "4 tại chỗ."

Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội sau khi nước rút. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội sau khi nước rút. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký công điện hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Công điện nêu rõ từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết thiên tai có nhiều diễn biến bất thường, khó dự báo. Mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua đã gây ra ngập, lụt cho khu vực đô thị và các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất; gây thiệt hại về người, tài sản và công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng Tám này. Nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ, đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu, thủ trưởng các cấp, ngành, địa phương, đơn vị sẵn sàng triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ"...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra. Nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, ngập úng cục bộ; xác định các khu vực trọng điểm, xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Các địa phương rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn, nhất là ở khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Đồng thời, các địa phương giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ trước mùa mưa bão và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định; huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.

ttxvn_mua lu Ha Noi.jpg
Nước rút chậm nên ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Các địa phương chủ động bố trí ngân sách để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả đối với các tình huống thiên tai, sự cố theo quy định; đảm bảo không để người dân thiếu chỗ ở hoặc các vật dụng thiết yếu khác; không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau thiên tai.

Các cơ quan chức năng phổ biến, hướng dẫn người dân nhận biết, có kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai thường gặp (tập trung vào biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai; gia cố, che chắn, bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể) để chủ động phòng, tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai; chủ động đôn đốc các đơn vị liên quan kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả...

Sở Công Thương phối hợp với Tổng Công ty Điện lực thành phố và địa phương ưu tiên cấp đủ điện ổn định cho các trạm bơm, công trình vận hành tiêu thoát nước, chống úng ngập; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện; kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông khi có tình huống thiên tai; phối hợp, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các lực lượng rà soát, hoàn thiện phương án, huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

Công an thành phố chỉ đạo lực lượng các cấp rà soát, hoàn thiện kế hoạch, chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô hỗ trợ địa phương và nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Sở Xây dựng triển khai việc phòng, chống úng ngập nội thành; phòng, chống, khắc phục cây đổ trên các tuyến đường đô thị; đảm bảo an toàn điện chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch. Đồng thời rà soát, kiểm tra, thống kê các khu nhà tập thể, nhà chung cư đã xuống cấp, khu nhà không đảm bảo an toàn, công trình đang xây dựng; phòng, chống đổ, sập nhà, công trình; tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi những khu vực không đảm bảo an toàn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục