Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ thăm Việt Nam: Điểm nhấn cho quan hệ hai nước

Những năm qua, quan hệ giữa các Cơ quan lập pháp Việt Nam-Ấn Độ được củng cố, phát triển tích cực, góp phần quan trọng tăng cường mối quan quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ thăm Việt Nam: Điểm nhấn cho quan hệ hai nước ảnh 1Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Đoàn Đại biểu Nghị viện Cộng hòa Ấn Độ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-21/4 tới.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Om Birla trên cương vị Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ kể từ khi nhậm chức vào tháng 6/2019.

Tăng cường hợp tác nghị viện Việt Nam-Ấn Độ

Trong những năm qua, quan hệ giữa các Cơ quan lập pháp hai nước được củng cố và phát triển tích cực, góp phần quan trọng tăng cường mối quan quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Ấn Độ đã ký Thỏa thuận hợp tác (tháng 12/2016) nhân chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Hoạt động trao đổi đoàn giữa các Cơ quan lập pháp hai nước được duy trì thường xuyên. Cùng với Đoàn Cấp cao, cấp Ủy ban, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị có nhiều hoạt động trao đổi, tiếp xúc linh hoạt dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hiện Cơ quan lập pháp hai nước đang phối hợp, hợp tác tập trung vào những nội dung như phối hợp giám sát thực hiện các Thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; trao đổi các ấn phẩm về hệ thống pháp luật và các vấn đề liên quan nhằm tăng cường thông tin, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm…

Tháng 9/2021, sau khi Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ trực tiếp mời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ khi hai bên hội kiến bên lề Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ cũng đã cùng gửi Thư mời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Ấn Độ với mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước và Cơ quan lập pháp hai nước.

Tháng 12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện Ấn Độ. Đây là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau gần 2 năm gián đoạn COVID-19. Chuyến thăm thành công rất tốt đẹp, góp phần cùng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

[Chủ tịch Hạ nghị viện Cộng hòa Ấn Độ sẽ thăm chính thức Việt Nam] 

Tiếp nối thành công chuyến thăm Ấn Độ năm 2021 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc Chủ tịch Hạ nghị viện Ấn Độ thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam thể hiện mức độ tin cậy chính trị cao và quan hệ thân thiết, gần gũi giữa hai nước.

Chuyến thăm sẽ là điểm nhấn quan trọng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện phát triển mạnh mẽ và hiệu quả

Từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập (năm 1972), trên nền tảng mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, trong suốt 50 năm qua, Việt Nam và Ấn Độ luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau.

Hai nước nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" (tháng 9/2016) và đang tích cực triển khai Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược toàn diện giai đoạn 2021-2023.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn ở các cấp. Thời gian qua, ở cấp cao, phía Ấn Độ thăm Việt Nam có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (9/2016), Tổng thống Ram Nath Kovind (11/2018), Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu (5/2019). Phía Việt Nam thăm Ấn Độ có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2016), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 7/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ (tháng 1/2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước (tháng 3/2018), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (tháng 2/2020), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 12/2021).

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Modi (tháng 12/2020); điện đàm với Thủ tướng Modi (13/4/2021); Bộ trưởng Ngoại giao hai nước điện đàm (4/2021) và gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ (tháng 11/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5 tại Áo (9/2021)...

Chiều 15/4 vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ, lãnh đạo Đảng Nhân dân Ấn Độ Narendra Modi. Trong bầu không khí thân mật và hữu nghị kỷ niệm 50 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2022), hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ thời gian gần đây, đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong ứng phó với dịch COVID-19.

Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ thăm Việt Nam: Điểm nhấn cho quan hệ hai nước ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Thedispatch.in)

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, tiếp xúc cấp cao và trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân giữa hai nước; thúc đẩy quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng chính trị ở Ấn Độ, trong đó có Đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền; giao các cơ quan hai nước đẩy mạnh phối hợp để triển khai các chương trình biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trên các lĩnh vực hợp tác trụ cột, trong đó khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm tạo điều kiện cho hai nước phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.

Hiện nay, trên lĩnh vực kinh tế, trao đổi thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/năm trong giai đoạn 2008-2013. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 9,67 tỷ USD, năm 2021 đạt gần 13,21 tỷ USD. Tính đến hết năm 2021, tổng vốn đăng ký của Ấn Độ đứng thứ 25 về đầu tư vào Việt Nam với 313 dự án và hơn 910,01 triệu USD vốn đầu tư trong các lĩnh vực: năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông nghiệp, sản xuất đường, trà, càphê, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và phụ tùng ôtô.

Hợp tác văn hóa-giáo dục có thêm cơ sở phát triển lâu dài với việc thành lập Trung tâm Văn hóa Ấn Độ và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Hà Nội (20216) và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi (3/2018).

Hai nước đã nhất trí việc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô New Delhi (tháng 9/2021) và tượng Lãnh tụ Mahatma Gandi tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đã có mức tăng trung bình 25%/năm, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2016-2019, từ hơn 85.000 lượt năm 2016 lên gần 170.000 lượt năm 2019. Từ tháng 10/2019, hai hãng hàng không tư nhân của Việt Nam và Ấn Độ đã mở đường bay thẳng giữa 6 thành phố của hai nước. Tuy nhiên do dịch COVID-19, các chuyến bay đều bị hoãn từ đầu năm 2020.

Ngoài ra, hai nước còn có mối quan hệ hợp tác sâu rộng, thiết thực trên các lĩnh vực khác như nông nghiệp, năng lượng-dầu khí, hợp tác phát triển, giáo dục, khoa học-công nghệ, thông tin và truyền thông, tài nguyên và môi trường, hợp tác khu vực tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Đáng chú ý, năm 2021, trước sự bùng phát của làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 tại Ấn Độ, một số tổ chức, đoàn thể của Việt Nam đã có hình thức vận động nhân dân ủng hộ một số vật tư y tế. Chính phủ Ấn Độ cũng đã tặng Việt Nam 300 máy tạo ôxy và 100 tấn ôxy y tế hóa lỏng (30/8/2021); cung ứng các loại thuốc đặc trị COVID-19 cho Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong việc thử nghiệm vaccine phòng COVID-19.

Với những kết quả tích cực đã đạt được trong suốt 50 năm qua, Việt Nam và Ấn Độ đang hợp tác chặt chẽ cùng tổ chức các hoạt động có ý nghĩa Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022 (1972-2022), qua đó tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục