Chủ tịch... tuổi teen

Chủ tịch hội phụ nữ xã tuổi teen ở tỉnh Lai Châu

Vác vẫn còn nhớ như in những ngày đầu, các bà, các mẹ, các chị không chịu nghe cô nói vì “mày chỉ bằng tuổi con, cháu tao thôi”.
18 tuổi, Mùa Thị Vác đã đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội phụ nữ xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ. Đạt giải nhất cuộc thi Chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi tỉnh Lai Châu, cô cũng là chủ tịch hội phụ nữ cơ sở trẻ nhất được Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam khen thưởng năm nay.

Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền hậu, ít ai nghĩ Mùa Thị Vác đã đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội phụ nữ xã từ khi mới 18 tuổi. “Đó là một dấu ấn lớn đối với em. Làm chủ tịch hội, vừa mừng vì thấy mình trưởng thành hơn, nhưng cũng rất lo”, Vác chia sẻ. Ba năm trên cương vị gần như quá sức so với tuổi đời, Vác đã dần trưởng thành hơn.

Ở một xã có 264 hội viên hội phụ nữ nhưng chỉ có 6 người biết chữ, địa bàn trải rộng trên 5.500 ha, những khó khăn như chồng chất trên vai cô gái nhỏ.

Xã Tả Ngảo có 14 chi hội, mỗi chi hội cách nhau tới 4 – 5 km. Thậm chí, chi hội bản Hán Lìa 1 cách xa trung tâm xã tới 30 km, lại là đường rừng, phương tiện duy nhất để đến là… đi bộ.

Đi đường rừng nên Vác không dám đi một mình. Mỗi lần đi xa, xuyên rừng, người bạn đồng hành của Vác chính là chồng cô. 30 km, nhưng cô chỉ đi bộ mất 4 tiếng đồng hồ. “Các thầy cô giáo vào bản này phải đi mất một ngày. Em đi nhanh vì phải vừa đi vừa… chạy”, Vác chia sẻ kinh nghiệm.

Xa xôi là thế, nhưng nhiều khi tới nơi, các hội viên không có nhà vì họ bận làm nương, Vác lại phải chờ. Thường thì chi hội chỉ có thể họp khi nhà nhà đã lên đèn, vì lúc đó, các bà, các chị mới xong việc nương rẫy, nhà cửa. Có hôm họp xong thì đã 2 giờ sáng.

Cũng vì họp hầu như vào buổi tối nên mỗi lần đi tới các bản xa, Vác phải ở lại vài ngày. Khi con còn nhỏ, chưa cai sữa, cô mang cả con theo. Cả gia đình cùng vượt núi, băng rừng để tới từng nhà trong các bản xa xôi nhất, vận động, tuyên truyền cho chị em trong công tác kế hoạch hóa, trong việc tham gia các công tác hội.

Trong khi tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các chị trong hội không biết tiếng phổ thông nên cô chủ tịch nhỏ phải phiên dịch toàn bộ. Nhưng việc phiên dịch cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều khi không tìm được từ có nghĩa tương đương.

Nhiệt tình thế nhưng nhiều khi chủ tịch hội phụ nữ xã ngồi đợi dài cổ cũng chưa thấy chị em đến, nói khản tiếng, nhưng khi hỏi lại, các chị hội viên lại chẳng tiếp thu được là bao. “Những lúc như thế em buồn lắm. Thấy công sức của mình lặn lội qua rừng qua suốt đổ đi hết”, Vác chia sẻ.

Nhưng chính chồng cô lại là hậu phương vững chắc, là người luôn ở bên để động viên vợ không được lùi bước trước khó khăn. “Anh ấy luôn bảo em phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, để các chị hiểu hơn về công tác hội”, Vác tự hào nói.

Một khó khăn khác với Vác là cô quá trẻ so với chức vụ đảm nhiệm. Vác vẫn còn nhớ những ngày đầu đi vận động, các bà, các mẹ, các chị không chịu nghe cô nói vì “mày chỉ bằng tuổi con, cháu tao thôi”. Những lúc ấy, cô lại phải bình tĩnh giảng giải về nhiệm vụ của mình để bà con hiểu.

Cứ thế, ba năm qua, trong vai trò của một chủ tịch hội phụ nữ xã, đôi chân Mùa Thị Vác đã thuộc đến từng con ngõ nhỏ của xã Tả Ngảo. Với cô, được sẻ chia những nối niềm, những khó khăn, những tâm sự của chị em là hạnh phúc.

Không chỉ chăm lo công tác hội, chăm sóc con nhỏ mới 4 tuổi, Vác còn đang cố gắng hoàn tất chương trình trung học phổ thông. Lấy chồng năm 16 tuổi, Vác mới học hết lớp 5. Nhưng được sự động viên của chồng, năm 2003, cô tiếp tục cắp sách đến trường và hiện đang là học sinh lớp 12. Vác chia sẻ: “Tuy công việc bề bộn nhưng em vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để học tập thật tốt”.

Nhưng để đạt được những thành tích đó, cô cũng phải hy sinh rất nhiều. “Em cứ đi từ sáng tới tối. Có hôm về, cười với con, giơ tay định bế nhưng con không theo. Con em không quý em bằng bà! Lúc đó, nước mắt cứ giàn ra. Em chỉ lo mất đi một phần tình mẫu tử”, bà mẹ trẻ buồn rầu nói.

Ba năm làm chủ tịch hội, giờ Vác đã 21 tuổi. Các chị em hội phụ nữ Tả Ngảo giờ đã không còn ai sinh con thứ 3, công tác hội cũng phát triển mạnh hơn. Mơ ước lớn nhất của chủ tịch hội là có một lớp học xóa mù chữ ngay tại bản để 100% hội viên biết đọc, biết viết.

“Khi các chị biết chữ, công tác hội sẽ thuận lợi hơn, các chị cũng sẽ có hiểu biết xã hội nhiều hơn và đời sống người dân tộc Mông Tả Ngảo sẽ tốt hơn”, Vác tâm sự./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục